Chính phủ làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về đẩy nhanh vốn đầu tư công

Mạnh Cường
Mạnh Cường
11/10/2024 18:41 GMT+7

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc với 5 tỉnh thành miền Trung và các bộ về việc đẩy nhanh vốn đầu tư công.

Chiều 11.10, tại Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc với các bộ cùng lãnh đạo các tỉnh, thành Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công.

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ KH-ĐT, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Tư pháp, GTVT, TN-MT, NN-PTNT cùng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tháo gỡ tất cả các khó khăn để tạo đà năm 2025

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành địa phương làm rõ thực tế trong công tác triển khai giải ngân vốn đầu tư công, hiến kế để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công về đích như kế hoạch.

Chính phủ làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về đẩy nhanh vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

MẠNH CƯỜNG

Ngoài nhiệm vụ liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương báo cáo thêm nội dung khác để hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và tiến đến hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng, từ nay đến hết nhiệm kỳ, thời gian không còn nhiều, do đó cần phải tháo gỡ tất cả các khó khăn để tạo đà năm 2025 có tốc độ tăng trưởng vượt trội, đảm bảo hoàn thành kế hoạch nhiệm kỳ.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, TP.Đà Nẵng) là hơn 55.718 tỉ đồng.

Tính đến hết ngày 30.9, các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đã giải ngân hơn 25.746 tỉ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%), thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (52,99%).

Theo ông Trung, các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 5 địa phương tham dự cuộc họp hôm nay cũng là các khó khăn, vướng mắc chung của cả nước, đã được Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, hội nghị của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tuy nhiên, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập.

Về mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Nguyên nhân chính do vướng mắc mặt bằng

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được UBND tỉnh giao là hơn 6.906 tỉ đồng, tăng hơn 386 triệu đồng so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2023, đồng thời thực hiện chuyển nguồn sang năm 2024 đối với nguồn ngân sách Trung ương khen thưởng vượt thu năm 2022 là 150 tỉ đồng.

Chính phủ làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về đẩy nhanh vốn đầu tư công- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng (đứng) tham gia ý kiến tại buổi làm việc

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Như vậy, tổng vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 8.884 tỉ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 7.000 tỉ đồng (ngân sách Trung ương hơn 2.194 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 4.861 tỉ đồng). Ngoài ra, kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là hơn 1.827 tỉ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương hơn 6.614 tỉ đồng (đạt 94%).

UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tuy nhiên, qua các buổi kiểm tra, nhận thấy việc giải ngân chậm do một số nguyên nhân.

Cụ thể, nguyên nhân chính vẫn là do trong công tác tổ chức triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã phân công ủy viên ban thường vụ huyện, thị, thành ủy phụ trách đứng điểm một số công trình trọng điểm nhưng công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát. Nhiều đơn vị, địa phương chưa tập trung, thiếu quyết liệt chỉ đạo.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài do việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; người dân thường kiến nghị chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung.

Do có tình trạng thiếu đất đắp nền và cát xây dựng nên các đơn vị thi công tiếp cận với giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán, trong khi đó phần lớn các công trình theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ đợi cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường…

Đặc biệt, đặc thù Quảng Nam có đến 9/18 huyện miền núi, trong khi từ tháng 10 - 12 hằng năm điều kiện thời tiết thường phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn, đặc biệt là các dự án giao thông.

Ông Dũng cho rằng hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh khá lớn nên hiện vẫn còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình như: QL1, QL14G, QL14B, QL40B, QL14H.

Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bố trí nguồn vốn để mở rộng QL14D (thuộc hành lang kinh tế đông - tây hiện xuống cấp nghiêm trọng) trong năm 2024, 2025 hoặc thời kỳ 2026 - 2030.

Chính phủ làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về đẩy nhanh vốn đầu tư công- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, chỉ ra một số nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Kiến nghị tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay tổng vốn đầu tư năm 2024 của Quảng Ngãi giao là hơn 6.902 tỉ đồng; tính đến ngày 30.9, địa phương giải ngân được hơn 2.305 tỉ đồng, bằng 33,4% kế hoạch được giao.

Theo ông Giang, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng có nguyên nhân chính vẫn là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, hiện có 30 dự án lớn của tỉnh bị vướng mặt bằng do công tác xác định giá đất chưa hoàn thành; việc triển khai luật Đất đai năm 2024 còn lúng túng.

Ngoài ra, nhiều dự án chưa xác định được nguồn gốc đất khiến người dân không chịu nhận bồi thường, không giao đất gây cản trở việc thi công… Một số dự án tạm thời không triển khai được do phải khắc phục theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra…

"Tại buổi họp hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương của tỉnh là hơn 220 tỉ đồng để có cơ sở cho địa phương điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 trước ngày 15.11.2024, để thực hiện giải ngân kịp thời…", ông Giang kiến nghị.

Tính hết ngày 30.9, Thừa Thiên - Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỉ đồng, được giao (đạt 58,47%); TP.Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỉ đồng được giao (đạt 48,27%); Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỉ đồng được giao (đạt 40,99%); Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỉ đồng được giao (đạt 33,40%).

Riêng Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỉ đồng được giao (đạt 69,37%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.