Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án luật Đầu tư công sửa đổi tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 9.5, Trưởng ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong báo cáo ngày 26.3 và mới đây nhất là báo cáo ngày 6.5, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo hướng giao Chính phủ có thẩm quyền quyết định, điều chỉnh danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các nội dung chủ yếu đã được Quốc hội phê duyệt.
Không tán thành đề xuất này, ông Hải cho biết, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị quy định theo hướng Quốc hội quyết định những nội dung quan trọng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, gồm tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách T.Ư.
Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, theo Hiến pháp thì đây là thẩm quyền của Quốc hội và việc Quốc hội quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn thì sẽ minh bạch, công khai.
"63 đoàn đại biểu nhìn vào đó là thấy vì họ sẽ so sánh: tại sao địa phương tôi được chia có 1.000 (tỉ đồng - PV), địa phương khác tương tự sao lại được chia 1.500-2.000, địa phương khác lại tới 3.000?", bà Ngân nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định là của Quốc hội, nhưng nếu như Quốc hội đồng ý ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định trong luật thì cũng không sai. Từ đó, bà Ngân đề nghị đưa vấn đề này ra xin ý kiến Quốc hội.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc duyệt danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn là thẩm quyền của Quốc hội, do Quốc hội quyết định là đúng. Tuy nhiên, theo ông Dũng, để thuận tiện, để vận hành cho tốt, Quốc hội có thể giao, phân cấp hay ủy quyền cho Chính phủ. "Chúng ta vẫn đang tập trung cho hướng đẩy mạnh phân cấp, những cái gì mà chúng ta phân cấp được xuống dưới thì chúng ta phân cấp xuống dưới", ông Dũng nói thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nếu giao cho Chính phủ thì Chính phủ sẽ chủ động hơn vì việc trình lên Quốc hội sẽ rất phức tạp về thời gian và thủ tục.
"Theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cấp nào quyết định thì cấp đấy điều chỉnh. Vậy bất kể dự án nào Quốc hội đã quyết định thì dù điều chỉnh một đồng, một hào thì cũng phải trình lại Quốc hội để điều chỉnh", ông Dũng nói và cho biết, đề nghị cân nhắc thêm.
Kết luận phiên thảo luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thống nhất sẽ đưa ra 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội. Phương án thứ nhất là Quốc hội sẽ quyết định hoặc ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; phương án 2 là theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ quyết định.
Luật Đầu tư công sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (dự kiến khai mạc vào 20.5 tới).
Bình luận (0)