Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao

Mai Hà
Mai Hà
24/07/2024 10:49 GMT+7

Đây là một nội dung trong phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7.2024 do Thủ tướng chủ trì ngày 24.7.

Theo chương trình họp, Chính phủ sẽ thảo luận về 5 nội dung quan trọng gồm 2 đề nghị xây dựng luật (luật Tình trạng khẩn cấp, luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi), 2 dự án luật (luật Điện lực sửa đổi, luật Việc làm sửa đổi) và đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thành kính dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần.

Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần

NHẬT BẮC

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ rất coi trọng công tác này. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết.

Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm. Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật.

Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.

Theo Thủ tướng, ngoài việc cần coi trọng về số lượng, bảo đảm tiến độ, phải đặc biệt coi trọng chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thực hiện phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế "xin - cho", giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho các cơ quan, người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu thảo luận kỹ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước khi trình Bộ Chính trị

NHẬT BẮC

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo đã qua 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm của nhiệm kỳ này, các bộ, ngành cần xem xét những cán bộ nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thành tích xuất sắc trong xây dựng thể chế thì đề xuất khen thưởng đột xuất. Bên cạnh đó, phải rà soát lại những ai chưa làm tốt phải kiểm điểm, nhắc nhở; ai vi phạm phải xử lý; bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan, bình đẳng.

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình có cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Thủ tướng, đây là việc lớn, quan trọng, phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền để triển khai, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị.

Trước đó, sáng 11.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.