Chính phủ thảo luận xây dựng, sửa đổi 7 luật
* Ban hành chương trình ngoại giao kinh tế

Mai Hà
Mai Hà
24/02/2023 04:10 GMT+7

Sáng 23.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2.2023.

Theo chương trình, phiên họp cho ý kiến đối với 7 nội dung: 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật gồm: đề nghị xây dựng luật Thủ đô (sửa đổi); luật Phòng không nhân dân; dự án luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản; dự án luật Nhà ở (sửa đổi); dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án luật Viễn thông (sửa đổi). Đây là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng. Để chuẩn bị cho phiên họp này, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 3 cuộc họp để cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật.

Chính phủ thảo luận xây dựng, sửa đổi 7 luật - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2.2023

TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách.

Nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, tình hình thực tế biến động rất nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp, nhiều yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được, nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần giải quyết. Thủ tướng lấy ví dụ lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia đánh giá khoảng 70% vướng mắc trong lĩnh vực này là liên quan tới pháp lý. Do đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa.

* Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế để phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Theo đó, tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tạo thế đan xen lợi ích kinh tế với các đối tác song phương và đa phương. Tận dụng, tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế phục vụ phát triển.

Chú trọng các nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế và ngoại giao kinh tế trong xây dựng và triển khai các đề án phát triển quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác.

Tạo đột phá trong một số lĩnh vực hợp tác kinh tế và giải quyết vướng mắc, "điểm nghẽn" trong quan hệ kinh tế với các đối tác lớn, đối tác chủ chốt theo nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và hài hòa với lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tác. Thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các hiệp định song phương và đa phương về các lĩnh vực tài chính, hải quan, bảo hiểm xã hội, lao động. Tiếp tục vận động các đối tác công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.