A’reeng không xa lạ với người dân sinh sống trên dãy Trường Sơn và luôn được ưa chuộng bởi nét hoang dại độc đáo. Ở xứ núi lạnh giá như A Lưới (Thừa Thiên - Huế), hoa mọc nhiều ở các con sông, con suối, ken dày bên vách đá nơi dòng Xê Sáp, A Lin, Tà Rình… uốn lượn chảy qua.
Theo đuổi “người tình 100 tuổi”
Hồ Xuân Chí (31 tuổi, trú thôn Ta Roi, xã A Ngo, H.A Lưới) thuở nhỏ từng nhiều lần đắm mình vào rừng hoa, rồi hồn nhiên bứt từng cánh nhâm nhi vị chua. Đó là chuyện của hơn 20 năm trước. Giờ đây, “cơn lốc” chơi hoa “độc” quét qua, các con suối không còn một gốc A’reeng. Mỗi lần đứng trước dòng sông, Chí cứ bồi hồi luyến tiếc.
“Nhớ A’reeng mọc dại như nhớ người tình đầu đời vậy đó. 20 năm trước, thấy người ta chơi hoa, tôi cũng vác cuốc đi đào. Có những gốc A’reeng cắm xuống đất vài bữa là héo queo. Mãi sau này mới biết, để lớn bằng cổ chân người lớn, A’reeng phải sống bám ở vách đá đến hàng trăm năm. Tiếc ơi là tiếc!”, anh kể.
Nhưng rồi để có tiền phụ giúp gia đình, anh vẫn phải đi đào gốc hoa đem bán như chúng bạn. Phải đến khi thấy những cánh rừng A’reeng dần biến mất, Chí bắt đầu xót xa. Chút an ủi đối với anh là đã kịp gầy dựng cho mình khu vườn chuyên trồng A’reeng thuộc hàng lớn nhất nhì ở A Lưới. Trong khuôn viên rộng khoảng 3.000 m2, anh đào ao, đắp kè bằng đá rồi dẫn nước suối vào để vừa trồng vừa nghiên cứu loài hoa tuy gần gũi nhưng có phần bí hiểm này…
Năm 2008, khi vào học chuyên ngành lâm nghiệp ở Trường đại học Nông Lâm Huế, anh mới có dịp tìm hiểu sâu về giống hoa bản địa này. Nhưng lúc này, những gốc A’reeng không còn thấy ở những bờ sông gần nhà mà đã “lùi vào” mọc bên cạnh những thác nước trong rừng sâu. Những gốc hoa còn lại trong vườn nhà được anh nâng niu với dự định khi ra trường sẽ nghiên cứu.
“Có năm, cận tết, tôi cùng anh em khăn gói lên đường, cứ trực chỉ hướng núi cao mà đi. Đi khoảng 1 tuần lễ, tôi lạc vào rừng A’reeng tự nhiên cả trăm năm tuổi mà nước mắt cứ trào ra. Nghĩ, nếu ngày trước không lục tung đào bới thì A’reeng vẫn còn đó để ngắm chứ đâu phải khổ sở lội rừng thế này”, Chí nhớ lại.
Những gốc hoa ưng ý được nhóm đào mang về. Chuyến đi nửa tháng nhớ đời bởi những thác ghềnh hiểm trở, chỉ một chút sơ sẩy là phải trả giá bằng mạng sống. Chỉ vào gốc A’reeng có tuổi đời khoảng 150 năm, anh bảo để “sở hữu” được, anh đã dùng dây thừng buộc vào gốc cây rồi treo mình bên ngọn thác cao đến 100 m. Loay hoay nửa ngày trời, anh và nhóm mới đào được rồi đưa lên đỉnh thác. Anh mang về trồng đã chục năm qua, giờ cho hạt nên chọn làm cây mẹ. “Vẻ đẹp của A’reeng được ví như cô gái đẹp ở làng bên mà ai cũng muốn chinh phục. Mềm mỏng ở mỗi cánh hoa, nóng bỏng hồng đỏ nhưng lại đỏng đảnh trong sinh trưởng. Càng ở gần càng mê… Thế chả phải A’reeng như người tình à?”, Chí cười.
|
Khát vọng rừng hoa bản địa
Nửa năm trước, sau chuyến đi nửa tháng trở về, cán bộ lâm nghiệp Hồ Xuân Chí thấy một gốc A’reeng khô rạc vì thiếu nước, liền lớn tiếng trách cứ cô vợ trẻ. Riêng anh bỏ cơm đúng 3 ngày vì buồn. Anh bảo, phải chơi hoa, hiểu được sự khó khăn để loài này ra hoa vào mỗi dịp tết thì mới trân quý. “Những người chơi A’reeng cùng trang lứa với tôi giờ 90% đã bỏ cuộc. Vì A’reeng khác lắm. Nó không phải là loài chỉ đơn thuần đào hố, vùi gốc là sống, mà để nó ở lâu bên mình thì phải hiểu được “tính khí” của nó”, Chí đúc rút.
Anh nhận ra A’reeng nếu trồng trong vườn thì nhất thiết phải có đá như môi trường tự nhiên. Mùa nắng, hoa phải đặt dưới tán cây, mùa mưa phải thoáng không để úng ngập… “Hồi mới chơi A’reeng, tôi liên tục thất bại vì cứ trồng chậu nào là chết chậu đó. Tôi mới nghĩ cách trồng 10 cây vào 10 loại đất khác nhau, quyết tìm ra loại đất phù hợp nhất với loài hoa này. Thế rồi tất cả không cây nào sống. Hôm đó, tôi vứt hết 10 gốc cây vào một bãi đá ẩm. Độ tuần sau thì thấy 1 gốc tươi hẳn lên, sau đó 1 tuần nữa thì gốc bám rễ”, Chí nhớ lại. Mừng như bắt được vàng bởi anh phát hiện chính loại đá đó là môi trường sống lý tưởng cho A’reeng. Hốt số đất đá vào bao, anh chẳng nói chẳng rằng nhảy xe về xuôi nhờ các nhà nghiên cứu đo đạc dưỡng chất, độ chua, kiềm…
Tìm được bí quyết, anh đúc kết A’reeng là loài thích sống ở đất có độ chua cao và trên đá mềm giữ ẩm. Khi anh nói điều này cho một số bạn chơi, nhiều người không tin. Nhưng khi gốc hoa của họ trồng cùng lần với anh cứ thế chết dần, họ phải tìm anh để học hỏi. Anh cũng không quên dặn người chơi A’reeng rằng, khi cho gốc vào chậu thì nên bỏ đá mềm, trộn xơ dừa và thêm cát bồi ven sông để cây sống khỏe…
Làm chủ được “nàng” A’reeng khó chiều, Chí quyết tâm cho loài hoa này “đẻ con” từ hạt giống. Nhưng khi thổ lộ điều này, nhiều người bật cười vì cho rằng anh… khùng. Lâu nay, chỉ vài gốc đã khiến họ mất ăn mất ngủ thì việc để A’reeng nảy mầm gần như không tưởng. Quyết tâm của anh càng gặp khó khăn vì tài liệu về giống hoa này quá ít ỏi. Cứ thế, anh lao vào lần mò cách thức hạt bung vỏ trong nhiều năm. Ngày này qua tháng nọ, thử gieo hạt đủ cách, đủ loại đất nhưng chẳng mầm nào nhú lên…
“Những câu hỏi với giả thiết độ ẩm cao, có đất pha cát… cứ lởn vởn trong đầu. Mùa mưa cách đây 5 năm, tôi quyết định lấy nắm hạt rắc lên đống rêu dưới gốc cây thì không ngờ những hạt mầm li ti vươn lên”, anh kể. Anh không tin vào mắt mình. Lại hồi hộp chờ thêm 1 tháng khi lá lớn dần mới đủ để đối chiếu chính xác. Chưa hài lòng vì cách ươm hạt giống tỷ lệ đạt khá thấp, chỉ khoảng 10 - 20 hạt/10.000 hạt nảy mầm, vài năm trở lại đây Chí miệt mài nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp giâm, chiết cành.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh vườn, Chí giới thiệu những gốc A’reeng “mẹ” từ 100 - 200 năm tuổi mà anh quý hơn vàng. Rồi qua những luống hàng trăm cây hom giống đang mơn mởn lá, tận tay lấy những búi rêu xanh rì, lô nhô những mầm A’reeng, anh thổ lộ: “Việc A Lưới hình thành những vườn A’reeng đặc trưng, độc đáo trong nay mai là điều không còn xa vời. Nếu ở A Lưới có những rừng A’reeng khoe sắc đỏ mỗi khi xuân về, du lịch địa phương cũng sẽ hưởng lợi không ít”.
Phát hiện loài đỗ quyên tím ở độ cao trên 1.500 mMới đây, khi đang cắt rừng tìm kiếm các loài hoa mới, anh Chí phát hiện một khu vực mọc đầy A’reeng màu tím. “Địa điểm này cách mực nước biển khoảng 1.500 m. Do khí hậu rất lạnh nên loài này có lá nhỏ gần giống lá sim. Màu hoa biến đổi từ tím nhạt sang đậm theo thời tiết và nhiệt độ trong ngày. Do chưa nắm được cách thức cây sinh trưởng nên tôi chỉ lấy một gốc về trồng thử. Nếu sống, tôi sẽ trở lại để tìm cách di thực loài cây này về vùng thấp hơn”, anh nói.
|
Bình luận (0)