Chinh phục "người mình"

14/01/2013 03:20 GMT+7

Lần đầu tiên, một công ty trong nước được chọn làm tổng thầu dự án 100% vốn nước ngoài có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều quan trọng nhất với ông Nguyễn Bá Dương - Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng Coteccons, đơn vị trung thầu sau sự kiện này - không phải là lợi nhuận mà vẫn là nỗi niềm đau đáu: "Để các chủ đầu tư trong nước hiểu rằng, doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực, uy tín và có thể thực hiện bất cứ dự án nào".

Lần đầu tiên, một công ty trong nước được chọn làm tổng thầu dự án 100% vốn nước ngoài có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều quan trọng nhất với ông Nguyễn Bá Dương - Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng Coteccons, đơn vị trung thầu sau sự kiện này - không phải là lợi nhuận mà vẫn là nỗi niềm đau đáu: "Để các chủ đầu tư trong nước hiểu rằng, doanh nghiệp nội địa có đủ năng lực, uy tín và có thể thực hiện bất cứ dự án nào".

Muốn cạnh tranh sòng phẳng

Có một thực tế không thể phủ nhận là từ trước đến nay hầu hết các dự án có quy mô lớn, 100% vốn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đều do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu hoặc thầu chính, các công ty xây dựng trong nước chỉ đóng vai phụ. Rất nhiều dự án lớn trong nước cũng chọn đối tác nước ngoài làm thầu chính. Nên dù "tự hào và tự tin" sau khi được chọn là tổng thầu dự án Hồ Tràm Strip (Canada đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư lên đến 4,2 tỉ USD; quản lý và điều hành hơn 30 nhà thầu phụ nước ngoài, ông Nguyễn Bá Dương vẫn chỉ đau đáu nỗi niềm tự khẳng định "năng lực của nhà thầu trong nước không thua kém nước ngoài".

 Phối cảnh dự án khu nghỉ mát phức hợp Hồ Tràm Strip
Phối cảnh dự án khu nghỉ mát phức hợp Hồ Tràm Strip

Còn nhớ lần tôi gặp ông cách đây khoảng 3 năm để tìm hiểu về dự án Đảo Kim Cương mà Coteccons cũng trúng thầu thi công, ông đã nói về chuyện này. Đến nay, khi Coteccons trở thành một thương hiệu lớn trong ngành xây dựng nội địa thì cái nghịch lý chủ đầu tư nước ngoài chọn nhà thầu nội còn chủ đầu tư trong nước lại "sính" nhà thầu ngoại vẫn ám ảnh ông. Đặc biệt, thời gian gần đây, các nhà thầu trong nước đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc... ngay trên sân nhà, nếu các chủ đầu tư Việt Nam vẫn nặng tâm lý "sính ngoại" thì nhà thầu trong nước đã và sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi khi tham gia đấu thầu. "Chúng tôi muốn và sẵn sàng cạnh tranh bằng năng lực, uy tín, chất lượng và tất nhiên, bằng giá; một cuộc cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng", ông Dương nói.

Tự giúp mình

Những năm gần đây, đặc biệt là khi Việt Nam ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường nội địa đã mở cửa trên hầu hết các lĩnh vực. Cuộc cạnh tranh với hàng ngoại, với các thương hiệu nổi tiếng thế giới thâm nhập đã khiến rất nhiều doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh, không chỉ để giữ thị phần trong nước mà còn vươn ra thế giới. Đó là sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới; may mặc Việt Tiến, Nhà Bè cũng chinh phục người tiêu dùng ở các thị trường lân cận trong khu vực; giày dép Bitis đã sang tận Bangladesh và nhiều nước khác... Nếu như các thương hiệu trên khẳng định sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng Việt hoàn toàn có thể chinh phục người tiêu dùng thế giới thì dự án Hồ Tràm Strip cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho nội lực của các nhà thầu trong nước. Ông Dương thú nhận đây là mô hình quá mới tại Việt Nam nên khi trúng thầu mừng đấy nhưng lo lắng cũng rất nhiều. Nhất là khi đi thăm các sòng bạc ở Las Vegas (Mỹ), Macau... cảm thấy quá "vĩ đại", đến mức nhiều người trong công ty cảm thấy hoang mang. Thậm chí, một số ý kiến còn muốn mời chuyên gia nước ngoài cùng làm. Nhưng ông đã quyết định tự làm. Với vai trò tổng thầu, Cotecons đã điều hành hơn 30 nhà thầu Nhật, Trung Quốc, Singapore... để thực hiện dự án. Đến nay, giai đoạn 1 đã thành công cả về chất lượng, tiến độ và uy tín. Đại diện chủ đầu tư, Tổng giám đốc Tập đoàn Asian Coast Development, ông Colin Pine, đã gửi thư cảm ơn và thể hiện sự hài lòng về sự hợp với Coteccons. Điều này một lần nữa khẳng định nhà thầu Việt có đầy đủ "nội lực" để thực hiện bất cứ dự án nào.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng khốn đốn vì tồn kho tăng cao nhưng nguyên nhân không chỉ sức mua xuống thấp mà còn phải cạnh tranh với hàng ngoại, hàng lậu, hàng gian, hàng giả. Hơn bao giờ hết, đây là lúc phải phát huy tối đa năng lực, hàng hóa, dịch vụ trong nước. Chuyện này không chỉ dừng ở hàng hóa tiêu dùng mà sử dụng nguyên vật liệu trong nước, sử dụng nhà thầu trong nước, dịch vụ trong nước... Xóa bỏ nghịch lý chinh phục người ngoài dễ hơn người nhà, đây là chúng ta phải tự giúp mình.

Nguyên Khanh

>> Vinamilk, doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia ACGA
>> Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trẻ
>> Lúng túng trong quản lý doanh nghiệp FDI
>> Mong đợi của doanh nghiệp
>> Không để giá xăng cho doanh nghiệp tự quyết
>> Hỗ trợ tiền lãi vay cho doanh nghiệp phục vụ hàng tết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.