Chính quyền ‘chơi’ fanpage: Cần bộ lọc để đảm bảo tính chính xác, văn minh

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
16/09/2018 09:00 GMT+7

Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên chính quyền mở fanpage. Bên cạnh tính ưu việt mà Facebook mang lại, việc tiếp nhận thông tin phản ánh qua kênh này thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế.

Trung tâm thông tin dịch vụ Đà Nẵng cho hay, mỗi tháng, thông qua các kênh tiếp nhận, trung tâm xử lý khoảng 600 ý kiến, phản ánh. Trong đó, kênh fanpage mạng xã hội Facebook tại địa chỉ Gop Y Da Nang tiếp nhận khoảng 10 - 20% phản ánh. Đơn vị cũng thường tiếp nhận thông tin từ Facebook qua nhóm Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp (một diễn đàn chính thống của ngành chức năng Đà Nẵng). Bên cạnh đó, trung tâm còn tiếp nhận qua mạng xã hội Zalo với hơn 100.000 lượt quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó giám đốc phụ trách trung tâm, cho biết theo quy trình tiếp nhận, thông tin người dân chuyển đến sẽ được xử lý trong vòng 4 giờ. Sau đó, thông tin này được chuyển qua ngành chức năng. Trong vòng 7 ngày, đơn vị xử lý phải có phản hồi ý kiến cho tổng đài để thông tin lại người dân. Quy trình này áp dụng cho các kênh tiếp nhận từ trang web góp ý, điện thoại... Các ý kiến tiếp nhận từ các kênh đều được đưa lên cổng thông tin tiếp nhận để tạo cơ sở dữ liệu chung.
Theo ông Quốc, trung tâm đã thành lập đội ngũ biên tập viên để đăng tải bài viết để đảm bảo ngôn ngữ, văn minh lịch sự..., thậm chí có những nội dung nhạy cảm thì phải cân nhắc cho đăng lên fanpage hay không. Tuy chưa có trường hợp không được duyệt đăng nhưng có trường hợp do tìm bài đăng trước đó không thấy liền phản ứng với quản trị fanpage. “Qua thời gian hoạt động ban đầu, do có những bài đăng mang tính nhạy cảm nên phải lập thêm quyền quản trị, phê duyệt bài đăng”, ông Quốc nói thêm.
Cân nhắc tính chính danh
Phân tích về những thuận lợi của việc tiếp nhận phản ánh qua Facebook, ông Quốc khẳng định ngay sự tiện lợi do mạng xã hội mang lại. Khi có vụ việc cần phản ánh, người dân vào fanpage Gop Y Da Nang và có thể đưa được hình ảnh, video và ý kiến… “Việc đăng thông tin lên rất tiện lợi, tương tác rất nhanh, nhiều người có thể xem được. Trong trường hợp cần thiết nhân viên tiếp nhận có thể hỏi lại, trao đổi trực tiếp và lấy được thông tin chính xác”, ông Quốc nói và cho biết thêm người dân nếu ngại lộ diện có thể nhắn tin cho quản trị fanpage. Để đảm bảo tính công khai, nhân viên trực sẽ chọn lọc và đưa sang cổng thông tin góp ý của TP để đưa vào dữ liệu chung.
Tuy nhiên, do thông tin đưa lên mạng xã hội “có rất nhiều thể loại”, nên xác minh thông tin chính xác hay không cũng phức tạp hơn so với tiếp nhận qua các kênh khác. “Có những trường hợp đưa không đủ ý hoặc dùng nick Facebook ảo để hùa vào rồi kích động người khác. Ngoài ra, tiếp nhận thông tin qua Facebook bằng tin nhắn kém thuận tiện vì việc trao đổi mang tính chất cá nhân. Có những thông tin chưa được kiểm chứng nhưng lại được đăng công khai, ai cũng xem được, tạo những phản ứng tiêu cực. Xác minh thông tin cũng khó hơn nếu dùng nick nặc danh”, ông Quốc chia sẻ.
Hiện nay, trang fanpage đang gặp phải vấn đề lớn do Facebook đã khóa lại quyền sử dụng. Nguyên nhân là Facebook cho rằng tên nick Gop Y Da Nang không phải là một người dùng có pháp nhân. Facebook đang xác nhận lại fanpage. Nếu dùng tài khoản cá nhân thì việc xác nhận sẽ rất dễ nhưng fanpage đang gặp trục trặc do không có người nào có tên Gop Y Da Nang để xác nhận. Kinh nghiệm được rút ra là ngay từ đầu phải xây dựng fanpage đúng nghĩa với việc bố trí admin dùng nick thật để comment, tương tác ở dưới các bài đăng tương tự trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp (kênh tương tác rất hiệu quả). “Khi làm thì phải cân nhắc về tính chính danh giữa người dùng cá nhân và trang chung chứ không Facebook sẽ không hiểu và cho rằng đó là nick ảo và buộc phải xác nhận thì rất vất vả”, ông Quốc nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.