Chính sách của Mỹ với Trung Quốc thời 'hậu Afghanistan'

18/08/2021 06:05 GMT+7

Giới quan sát về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương từng kỳ vọng sau khi rút khỏi Afghanistan, Mỹ có thể dồn lực nhiều hơn nhằm đối phó Trung Quốc . Vậy tương lai của kịch bản này như thế nào?

Những năm gần đây, khi Mỹ tăng cường theo đuổi chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) để đối phó Trung Quốc, giới quan sát cho rằng một giới hạn cho nỗ lực này chính là Washington đang phải phân bổ nguồn lực quá nhiều nơi. Ngược lại, trọng tâm chính trong nguồn lực đối ngoại của Bắc Kinh vẫn chỉ là Indo-Pacific. Chính vì thế, dù ngân sách quốc phòng vượt xa Trung Quốc, nhưng nguồn lực của Mỹ dành cho khu vực vẫn bị nhiều giới hạn.

Giải phóng nguồn lực cho Washington

Trả lời Thanh Niên ngày 17.8, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) chỉ ra: “Chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã bị chỉ trích vì thiếu phân bổ nguồn lực hữu hình cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng việc phân bổ lại nguồn lực đòi hỏi phải hoàn thành 2 thách thức lớn của Washington từ thời người tiền nhiệm của ông Obama là Tổng thống George Bush: Afghanistan và Iraq”.
Cũng trả lời Thanh Niên ngày 17.8, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Lực lượng quân sự của Mỹ tham gia vào Afghanistan về sau là khá nhỏ. Nhưng hỗ trợ họ vốn ở xa khu vực “thân thiện” với Washington khiến chi phí bỏ ra tốn kém hơn nhiều lần so với tiến hành hoạt động ở nơi khác. Trong đó, việc hỗ trợ lực lượng ở Afghanistan cần rất nhiều nguồn thông tin tình báo hướng vào một khu vực xa xôi”. Chính vì thế, cựu đại tá Schuster đánh giá: “Việc rút khỏi Afghanistan giúp Mỹ giải phóng nguồn lực cho các hoạt động ở nơi khác”.

Cần thêm thời gian

Tuy nhiên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nêu vấn đề: “Còn quá sớm để đưa ra dự đoán tác động của việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đối với động lực để Washington tăng cường hơn nữa hoạt động ở Indo-Pacific”.
Cùng quan điểm, GS Sato cũng cho rằng: “Liệu khi được giải phòng nguồn lực ở Afghanistan thì Mỹ có dồn lực nhiều hơn để đối phó với những thách thức đang gia tăng của Trung Quốc ở các nơi khác hay không vẫn chưa thể trả lời”. Ông phân tích thêm: “Hiện vẫn chưa rõ Mỹ có công nhận chính quyền do Taliban thiết lập ở Afghanistan hay không. Nếu không thì Mỹ có phải tốn kém nguồn lực để cô lập và ngăn chặn Taliban bằng cách hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan?”.
Tương tự, PGS Nagy nhận định: “Nếu Taliban cai trị một cách vừa phải và chủ nghĩa khủng bố không bùng phát trở lại ở quốc gia Nam Á này, việc Mỹ rời khỏi Afghanistan và tập trung nguồn lực vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Indo-Pacific sẽ được coi là quyết định đúng đắn”.
Ông Nagy cũng đồng thời lo ngại: “Nếu Afghanistan lại rơi vào vòng xoáy bạo lực, Taliban tiếp tục các chính sách hà khắc như trước, nước này lại là một thất bại lớn hơn của Mỹ. Điều đó khiến cho Trung Quốc và Nga tăng cường thách thức để làm suy yếu sức mạnh của Mỹ”.

Cam kết của Washington với Indo-Pacific

Bên cạnh đó, cả GS Sato lẫn PGS Nagy đều đặt ra vấn đề là các đồng minh và đối tác của Washington sẽ lo ngại về tính bền vững trong cam kết của Mỹ khi nước này đã rút khỏi Afghanistan khiến chính quyền sở tại sụp đổ.
GS Sato nêu: “Liệu các đồng minh của Washington có xem việc Mỹ rút quân là dấu hiệu cho cam kết an ninh không đáng tin cậy, hay là dấu hiệu của việc quay trở lại một chiến lược hiện thực tỉnh táo hơn?”. Ông cho rằng điều đó sẽ là chủ đề của cuộc cạnh tranh đang nổi lên giữa Mỹ với Trung Quốc và cả với Nga. PGS Nagy cũng cho rằng đó là điều mà các đồng minh của Mỹ ở Indo-Pacific như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines đang xem xét.
Trong khi đó, cựu đại tá Schuster nhấn mạnh: “Mọi người cần nhớ rằng Mỹ đã ở Afghanistan 20 năm và chi hàng tỉ USD để giúp đỡ người dân Afghanistan. Chính các nhà lãnh đạo của họ đã quyết định không tham chiến sau khi người Mỹ bắt đầu rời đi. Việc quân đội Afghanistan từ chối chiến đấu cho thấy nỗ lực của Mỹ đã bị lãng phí. Nếu người dân không đấu tranh cho tự do hoặc chính phủ của họ thì không một thế lực nước ngoài nào có thể làm điều đó thay họ”. Từ đó, ông Schuster khẳng định: “Mỹ sát cánh bên các đồng minh và cam kết 20 năm ở Afghanistan chứng tỏ Mỹ coi trọng cam kết đó”.
Bên cạnh đó, theo GS Nagy, dù lo ngại việc bị Mỹ bỏ rơi đã tồn tại từ lâu trong khu vực, nhưng theo ông: “Afghanistan không nên được coi là phép thử cho cam kết của Mỹ với Indo-Pacific”, bởi Washington có quan hệ đồng minh rộng khắp ở khu vực này và liên kết bằng một loạt thỏa thuận thương mại, an ninh để gắn bó lâu dài.
Tổng thống Biden “không hối tiếc”
Đài NPR ngày 17.8 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, dù lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát đất nước và rơi vào Kabul hỗn loạn. “Tôi là tổng thống của Mỹ và trách nhiệm là của tôi. Tôi rất buồn vì những điều mà chúng ta đang đối diện, nhưng tôi không hối tiếc về quyết định của mình”, ông phát biểu tại Nhà Trắng, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Bên cạnh đó, ông thừa nhận “sự thật là điều này xảy ra nhanh hơn chúng ta nghĩ”, đồng thời chỉ trích quân đội Afghanistan không chiến đấu với lực lượng Taliban, còn các lãnh đạo thì bỏ trốn.
Khánh An
Washington chờ hành động của Taliban
Theo AFP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 16.8 tuyên bố Mỹ chỉ công nhận chính quyền Taliban nếu lực lượng này tôn trọng quyền của phụ nữ, trẻ em gái và tránh xa al-Qaeda. Taliban ngày 17.8 tuyên bố ân xá cho toàn bộ quan chức chính phủ Afghanistan và kêu gọi các quan chức này quay lại làm việc. Cùng ngày, quyền Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Aurvasi Patel cho biết cơ quan này nhận được văn bản đóng dấu của Taliban. Theo đó, Taliban đảm bảo UNHCR có thể tiếp tục các hoạt động nhân đạo và cứu trợ tại Afghanistan. 
Đông A
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.