Theo CNBC, đây là nhận định của giới phân tích thuộc ngân hàng Nomura. Kể từ khi nhậm chức trong tháng này, chính quyền Tổng thống Trump ban hành nhiều chính sách theo hướng bảo hộ thương mại, thể hiện lập trường cứng rắn hơn về xuất nhập cảnh và kêu gọi tái đánh giá quan điểm chính sách đối ngoại của Mỹ. Những việc này làm dấy lên lo ngại cho rằng các thay đổi chính sách sẽ tác động lên nhiều nước khác, đặc biệt là các thị trường mới nổi.
“Hạn chế nhập cư là nguyên nhân chính khiến Ấn Độ dễ tổn thương. Tính khả thi của mô hình làm việc ở nước ngoài của nhiều doanh nghiệp phần mềm Ấn có thể gặp rủi ro”, nhà kinh tế Sonal Varma chuyên về Ấn Độ tại ngân hàng Nomura cho hay.
Chính quyền của ông Trump được cho là đang tìm cách cải cách thị thực H-1B. Theo Reuters, nhiều nguồn tin cho hay cố vấn chính sách cấp cao Stephen Miller của ông Trump vừa đề nghị bỏ hệ thống theo kiểu xổ số hiện dùng để cấp visa. Một hệ thống thay thế sẽ xem xét ưu tiên cấp thị thực cho những công việc trả lương cao nhất.
Visa H-1B được cấp cho công dân các nước ngoài Mỹ làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt, chẳng hạn như những nhà khoa học, kỹ sư, lập trình viên máy tính. Visa loại này yêu cầu ứng viên phải có trình độ đại học trở lên. Mỗi năm, chính phủ Mỹ cấp 65.000 thị thực H-1B thông thường theo chế độ chọn như xổ số. Phần lớn người được cấp visa này công tác trong lĩnh vực công nghệ.
Nhiều hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon có xu hướng tuyển dụng người Ấn Độ đảm nhiệm các vị trí về kỹ thuật một cách trực tiếp hoặc thông qua nhiều hãng gia công phần mềm, chẳng hạn như công ty phần mềm Ấn Độ Infosys. Nhiều người chỉ trích visa H-1B cho rằng hệ thống trên tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác và thuê tuyển nhân viên giá rẻ từ nước ngoài, lấy mất việc làm của người Mỹ.
Ngoài ra, khuynh hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ cũng có thể khiến xuất khẩu Ấn Độ chịu thiệt hại. Báo cáo của Nomura cho hay dược phẩm, hàng dệt may, đá quý, đồ trang sức và các sản phẩm tự động đang đứng trước nguy cơ lớn nhất. Song vì kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, chuyên gia Varma cho rằng tác động xấu với nước này sẽ thấp hơn nhiều thị trường mới nổi định hướng giao thương khác.
tin liên quan
Hàng loạt CEO công nghệ chỉ trích lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống TrumpBốn trong số các hãng công nghệ lớn nhất Mỹ vừa cảnh báo nhân viên về sắc lệnh cấm nhập cảnh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký. Nhiều lãnh đạo trong ngành công nghiệp này cũng chỉ trích sắc lệnh trên.
Bình luận (0)