'Chính sách đặc thù vô nghĩa nếu TP.HCM không được chủ động trong bộ máy, nhân sự'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/05/2023 18:50 GMT+7

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng các chính sách, cơ chế đặc thù về tài chính, đất đai sẽ vô nghĩa nếu như TP.HCM không được chủ động, linh hoạt trong tổ chức bộ máy và nhân sự để có đủ năng lực thực hiện các chính sách.

Chiều 30.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Chính sách đặc thù vô nghĩa nếu TP.HCM không được chủ động trong bộ máy, nhân sự

Bộ máy, nhân sự linh hoạt là mấu chốt

Nêu ý kiến, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cơ chế đặc thù cho TP.HCM là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM có điều kiện để phát triển.

"Với các chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất cho TP.HCM, tôi đồng ý hết", ông Vân nói.

'Chính sách đặc thù vô nghĩa nếu TP.HCM không được chủ động trong bộ máy, nhân sự' - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến thảo luận tại tổ

PHẠM THẮNG

Riêng đối với các chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy trao cho TP.HCM trong dự thảo nghị quyết lần này, ông Vân cho rằng cần phải bàn thêm.

"Suy cho cùng nếu trao cho TP.HCM các cơ chế chính sách về đầu tư, tài chính, đất đai nhưng bộ máy không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì những chính sách còn lại không có ý nghĩa", ông Vân nói.

Ông Vân đề nghị cần phải trao cho TP.HCM năng lực pháp lý tự tổ chức bộ máy phù hợp trên cơ sở điều kiện của TP.HCM và trên cơ sở tiêu chí mà chính TP.HCM tự xác định.

Theo ông Vân, ngoài một số sở ngành có tính chất "cứng", thì các thiết chế liên quan văn hóa, kinh tế thì cần trao cho TP.HCM sự năng động để tự tổ chức phù hợp điều kiện thực tiễn.

"Họ cũng nên có quyền linh hoạt định đoạt biên chế để tạo ra bộ máy linh hoạt của họ. Sở NN-PTNT của TP.HCM cũng không thể giống các Sở NN-PTNT của các tỉnh khác. Do đó, cần phải trao cho họ cái quyền khác với các tỉnh, thành khác", ông Vân kiến nghị.

Ngoài bộ máy, ông Vân cũng kiến nghị phải trao cho TP.HCM sự phân cấp mạnh hơn trong công tác cán bộ. "Chẳng hạn T.Ư chỉ cần quản lý cấp trưởng, phó cơ quan trụ cột thôi. Còn ở TP.HCM thì nên cho TP.HCM tự quyết định, và chịu trách nhiệm trước T.Ư, pháp luật. Bộ máy linh hoạt, nhân sự linh hoạt là điều rất cần để TP.HCM có thể triển khai được các cơ chế, chính sách đặc thù", ông Vân kiến nghị.

Ông Vân cũng kiến nghị cho phép TP.HCM được ban hành các cơ chế chính sách nổi trội, khác với pháp luật hiện hành để thu hút nhân tài. "TP.HCM nơi có nền kinh tế năng động, nếu trao cho họ quyền tự chủ thu hút nhân tài chắc chắn sẽ thu hút nhân tài nhiều lĩnh vực, đặc biệt là KH-CN. Có như vậy mới tạo sự phát triển thực sự", ông Vân nói thêm.

"Viên ngọc Viễn đông nay đã kém sáng hơn trước nhiều"

Tương tự, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nói "TP.HCM từng là viên ngọc Viễn đông nhưng viên ngọc nay kém sáng đi nhiều rồi". Nhấn mạnh, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước, ông Hận cho rằng, đầu tàu có mạnh, có tốt thì mới kéo được đoàn tàu đi nhanh, đi xa hơn.

'Chính sách đặc thù vô nghĩa nếu TP.HCM không được chủ động trong bộ máy, nhân sự' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nêu ý kiến thảo luận tại tổ

PHẠM THẮNG

Ông Hận cũng dẫn ví dụ Thượng Hải của Trung Quốc, nhờ có nhiều cơ chế đặc thù đã có sự phát triển vượt bậc, từ đó dẫn dắt và tạo sự lan tỏa cho cả khu vực. Do đó, các chính sách đặc thù cho TP.HCM là cần thiết.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: TP.HCM - "Hòn ngọc Viễn Đông" đã bớt chói sáng rồi

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên - Huế) cũng đồng ý cần có các chính sách đặc thù giúp TP có sự phát triển và đột phá.

Tuy nhiên, bà Sửu băn khoăn, vào năm 2017, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều chính sách đặc thù cho TP.HCM, nhưng sau 5 năm thực hiện, tổng kết lại chỉ 70% cơ chế, chính sách triển khai được.

"Vậy với 44 chính sách đặc thù cho TP.HCM trình lần này và chỉ triển khai trong vòng 5 năm tới thì việc triển khai thực hiện thế nào tôi thấy chưa rõ. Cũng rất mong muốn Chính phủ, TP.HCM có lộ trình cụ thể. Với quy mô chính sách đồ sộ như thế thì phải có lộ trình, nếu không sẽ lãng phí", bà Sửu góp ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.