Chính sách thiếu ổn định là nỗi ám ảnh của tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vấn đề này luôn được đưa ra trong hầu hết các cuộc đối thoại, góp ý, kiến nghị ở mọi cấp độ.
Nhưng có lẽ chưa bao giờ, sự thay đổi chính sách lại nhanh chóng như hiện nay. Điển hình là dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và luật Quản lý thuế đang được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội. Nhưng thực tế các luật này chỉ mới có hiệu lực từ đầu năm nay.
Thậm chí, luật Thuế TTĐB còn chưa tới thời điểm có hiệu lực thi hành (theo dự kiến là 1.1.2016) đã lỗi thời, phải điều chỉnh. Không chỉ thế, cách tính thuế của dự thảo luật cũng thay đổi so với nghị định hướng dẫn trước đó khiến các DN kinh doanh xe hơi xất bất, xang bang vì không biết tính theo cách mới hay cũ. Theo cách cũ (giá bán xe thấp hơn) thì sợ vi phạm, sau này cơ quan thuế thanh kiểm tra, có khi lại mắc tội khai gian, trốn thuế, bị truy thu, phạt, ảnh hưởng tới tên tuổi. Còn theo cách mới thì chưa có hướng dẫn.
Thế là "tiến thoái lưỡng nan" ngay trong thời điểm nóng nhất của cuộc nước rút về đích chuẩn bị kết thúc một năm. Ông chủ một hãng xe hơi bức xúc tâm sự: khi muốn có ngành công nghiệp ô tô, chúng ta sử dụng Thuế TTĐB để khuyến khích DN tham gia vào sản xuất, lắp ráp xe, nâng dung lượng thị trường. DN đã bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng nhà máy, chuyển giao công nghệ, mời đối tác, từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa... thì đùng một cái chúng ta tính chuyện giảm sâu cùng một lúc các sắc thuế. "Năm 2018, tôi làm nhà máy xong mà giảm thuế sâu vậy, xe ồ ạt nhập vào thì nhà máy chết. Vậy không lẽ chúng tôi bị lừa?", vị này đặt câu hỏi.
Tương tự với các DN sản xuất thuốc thú y. Trong khi danh mục thuốc thú y cũ vẫn đang có hiệu lực thì "đùng một cái", Cục Thú y ban hành danh mục mới và “bỏ lọt” 32 đơn vị. Sản phẩm của họ bỗng dưng thành bất hợp pháp, phải ngưng sản xuất, đi thu hồi, vừa mất thời gian, vừa thiệt hại tiền của.
Chính sách "đùng một cái" đã tạo ra một môi trường kinh doanh cực kỳ rủi ro với DN. Có thể khiến họ từ hợp pháp thành vi phạm. Có thể đẩy một DN lớn đến bờ vực phá sản. Nên dù cực kỳ tâm huyết, ông chủ hãng xe hơi nói trên cũng không khỏi so sánh: "Chính sách thế này, cứ làm thương mại, buôn xe lại sướng. Thuế giảm, tăng nhập xe về bán kiếm chênh lệch. Sản xuất làm gì cho mệt".
Hàng loạt hiệp định đơn phương, đa phương giữa VN và các nước được ký kết và có hiệu lực. Nóng bỏng và dự báo sẽ tác động mạnh nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là thời điểm DN cần được hỗ trợ tối đa nhằm củng cố nội lực, tăng sức cạnh tranh để giữ sân nhà và tận dụng cơ hội ở thị trường ngoại chứ không phải "bở hơi tai" chạy theo sự thay đổi của chính sách như thế này.
Bình luận (0)