‘Chính sách không khả thi thì làm sao tuyên truyền, vận động’

23/05/2015 07:00 GMT+7

Tại phiên thảo luận tổ sáng 22.5 về việc sửa đổi điều 60, luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng cho phép người lao động được hưởng trợ cấp bảo hiểm một lần, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đã nói như trên khi có ý kiến cho rằng cần phải tuyên truyền kỹ hơn cho người lao động (NLĐ) về quy định này.

Tại phiên thảo luận tổ sáng 22.5 về việc sửa đổi điều 60, luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng cho phép người lao động được hưởng trợ cấp bảo hiểm một lần, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đã nói như trên khi có ý kiến cho rằng cần phải tuyên truyền kỹ hơn cho người lao động (NLĐ) về quy định này.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tiếp xúc với công nhân Công ty PouYuen ngày 29.3 về điều 60 luật BHXH Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tiếp xúc với công nhân Công ty PouYuen ngày 29.3 về điều 60 luật BHXH - Ảnh: Hải Nam

“Thiếu việc lấy ý kiến công nhân lao động trực tiếp”

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Bùi Sĩ Lợi cho rằng những cuộc đình công phản đối điều 60, luật BHXH vừa qua là “hoàn toàn bất hợp pháp”, vì phản đối một điều luật chưa có hiệu lực. Theo ông Lợi, điều 60 luật BHXH hoàn toàn đúng về quan điểm, chủ trương. “Điều luật này thể chế hóa được quan điểm của Hiến pháp; quá trình thẩm tra, xem xét, lấy ý kiến hoàn toàn đúng quy trình. Về thực tiễn, để phấn đấu 100% lực lượng tham gia BHXH thì việc tiếp tục cho hưởng BHXH sẽ phá sản mục tiêu này. Nhà nước sau này sẽ phải lo một khoản ngân sách khổng lồ cho những đối tượng không có lương hưu”, ông Lợi lo ngại.

Trong khi đó, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nói: “Quá trình xây dựng luật đã tổ chức nhiều hội thảo, ghi nhận nhiều ý kiến nhưng chủ yếu là lấy ý kiến của cán bộ, công chức và chúng ta đã tưởng là không có ý kiến trái chiều vì cho rằng quy định như thế là hợp lý, là đúng đắn. Nhưng hóa ra, thiếu sót lớn nhất là thiếu việc lấy ý kiến của công nhân lao động trực tiếp”. Cũng theo ông Khanh: “Chúng ta chưa xét bối cảnh thực tế là công nhân hiện nay rất đông người là từ miền quê. Sau này, không làm việc nữa họ lại về đồng ruộng thì có tiền đâu mà nộp bảo hiểm tự nguyện. Do đó, bây giờ có quy định mở cho một bộ phận công nhân được nhận một lần như đề xuất của Chính phủ nhưng cũng cần tuyên truyền kỹ cho NLĐ cái lợi, hại của việc nhận tiền một lần”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) lại cho rằng nếu nói công nhân phản ứng điều 60 do tuyên truyền, vận động chưa tốt là cách nói phiến diện. “Thử hỏi làm sao tuyên truyền, vận động được khi mà NLĐ họ đưa ra một chứng minh cụ thể, rõ ràng như vậy. Một nữ công nhân tay nghề cao, có thâm niên hơn 18 năm làm việc, cuối cùng nhận được khoản lương hưu là 943.000 đồng! Người ta hỏi tôi rằng có sống được với đồng lương đó không?”, bà Tâm đặt câu hỏi. Theo bà Tâm, NLĐ đã tính toán kỹ lưỡng và họ phải chọn lấy phương án lấy tiền một lần để trang trải cuộc sống, dù họ biết rằng đằng sau đó họ bị thiệt thòi, ảnh hưởng do không có lương hưu sau này.

“Tôi cho rằng không thể tuyên truyền, thuyết phục, vận động được khi mà cơ chế chính sách không khả thi, không đi vào thực tiễn và không đáp ứng được cuộc sống của NLĐ”, bà Tâm nói. “Chúng ta không khuyến khích công nhân đình công nhưng phản ứng vừa qua của công nhân liên quan đến điều 60 luật BHXH theo tôi có một tín hiệu tốt... NLĐ họ không đồng ý với sự áp đặt chủ trương, chính sách pháp luật. Họ phải phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi cho rằng đó là tín hiệu vui chứ không phải buồn và quan trọng là Chính phủ đã thực sự lắng nghe”, ĐB Quyết Tâm nhấn mạnh.

Cần lắng nghe ý kiến trái chiều

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc phải sửa đổi khi luật BHXH chưa có hiệu lực là một bài học kinh nghiệm cần lưu ý trong công tác lập pháp. “Khi tranh luận cần chú ý những ý kiến ngược chiều tạo ra sự phản biện, đôi khi phản ánh thực tế. Chúng ta vì nhân dân, nhân danh lợi ích của nhân dân nhưng đôi khi chúng ta không sát thực tế cuối cùng gây ra sự phản ứng”, ĐB Nghĩa nói.

Ở góc nhìn riêng của mình, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nói: “Điều 60 luật BHXH không sai nhưng chưa đủ, NLĐ tha thiết đề nghị sửa để có lựa chọn tốt hơn. Ai chẳng biết gạo nếp ngon, nhưng nhiều người không ăn được nên cần cho họ lựa chọn, có khi ăn khoai cũng được”.

Xem lại cách tiếp thu, thông qua luật

Cũng trong phiên họp buổi sáng tại tổ, các ĐBQH đã thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2015. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng hiện nay việc tiếp thu, thông qua luật ở QH không ổn. “Cách thông qua luật theo cả gói, cái cần biểu quyết thì không đem ra biểu quyết, cái không cần lại đưa ra. Nhiều khi ban soạn thảo không thấy tiếp thu, hình như dây thần kinh tiếp thu bị đứt. Cho nên, có nhiều luật mới đưa ra đã phải sửa. Như luật Sĩ quan quân đội nhân dân, trong quá trình xây dựng luật đã thấy những điểm bất hợp lý nhưng vẫn thông qua nên bên quân đội bây giờ họ cũng có ý kiến phản đối”, ông Thuyền nói.

Nhiều ĐB tỏ ý không hài lòng khi dự án luật Biểu tình tiếp tục bị đẩy ra khỏi Chương trình xây dựng luật 2 năm tới. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, nói: “Đã có rất nhiều ý kiến đề nghị đẩy nhanh làm luật này, Chính phủ đã quyết tâm làm nên cần phải chắc chắn làm được ngay trong khóa này dù khó vì lần đầu làm. Cần phải nghiên cứu công phu, toàn diện hơn để bảo đảm luật ra là có hành lang pháp lý để thực hiện được quyền tự do, dân chủ cao nhất của người dân nhưng cũng phải tôn trọng sự ổn định xã hội”, ông Thông nêu ý kiến.

Cần quy định xử lý trách nhiệm người ban hành văn bản trái pháp luật

Thảo luận trong phiên toàn thể chiều qua về dự thảo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật -  VBQPPL (sửa đổi), ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết hoặc tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhà nước, cá nhân và xã hội. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết được ban hành nhưng áp dụng không đảm bảo tính khả thi như thời gian qua.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng cần xem xét, bổ sung thêm hai nguyên tắc về xây dựng, ban hành VBQPPL. Thứ nhất, cần đảm bảo có đủ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành vào thời điểm VBQPPL có hiệu lực. Thứ hai, văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không được quy định thêm hay mở rộng so với VBQPPL. Theo ĐB Cương, thực tế khi luật ban hành nhưng có một số văn bản dưới luật có quy định không hoàn toàn phù hợp với quy định của luật.

Trường Sơn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.