(TNO) "Vì có phản ứng của một số công nhân, nên tại kỳ họp này, Quốc hội bố trí thời gian để Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện Điều 60 của luật Bảo hiểm xã hội 2014. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận và chúng tôi sẽ xin ý kiến đại biểu xem có sửa hay không”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp lần này sẽ xem xét cho ý kiến về việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Hà Nội
- Ảnh: TS |
Theo chương trình, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20.5 và bế mạc vào 26.6.2015, với tổng thời gian làm việc hơn một tháng. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến đối với 15 dự án luật tại kỳ họp thứ 9.
Chính phủ chưa trình luật biểu tình
Trong số 11 dự luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, có luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); luật Tổ chức chính quyền địa phương; luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)...
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ thảo luận, xem xét, thông qua một số Nghị quyết gồm: Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016; Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.
Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, tại kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ thảo luận góp ý về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngoài các nội dung đã được dự kiến, Quốc hội lần này cũng sẽ xem xét cho ý kiến về việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga thuộc Đoàn đại biểu Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đáng tiếc là trong bối cảnh mong muốn tăng số lượng đại biểu nữ, đại biểu trẻ trong Quốc hội, nhưng tại nhiệm kỳ này, có tới 2 đại biểu nữ, tự ứng cử, bị Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu. Trước trường hợp đại biểu Châu Thị Thu Nga, Quốc hội cũng đã nhất trí bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Đặng Thị Hoàng Yến.
Theo ông Phúc, về đại biểu Châu Thị Thu Nga, đến nay vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có kết quả chính thức. Tuy nhiên, theo điều 56 luật Tổ chức Quốc hội thì đại biểu Nga không còn uy tín với nhân dân. “Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã có đề nghị chính thức với Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Nga”, ông Phúc cho biết.
Trả lời câu hỏi về vụ biểu tình của công nhân phản đối điều 60 luật Bảo hiểm xã hội (liên quan đến chế độ hưởng trợ cấp xã hội một lần), ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay Chính phủ chưa có tờ trình chính thức đề nghị Quốc hội sửa nội dung này. Theo ông Phúc, luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội thông qua, các quy định trong luật này phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền lợi lâu dài của công nhân.
“Nhưng vì có phản ứng của một số công nhân, nên tại kỳ họp này, Quốc hội bố trí thời gian để Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện điều luật trên. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận và chúng tôi sẽ xin ý kiến đại biểu xem có sửa hay không”, ông Phúc nói.
Bình luận (0)