Chính sách không phân biệt công - tư trong giáo dục

10/12/2017 09:02 GMT+7

Đề xuất miễn học phí cho cả học sinh các cấp phổ cập ở trường tư khi góp ý sửa luật Giáo dục hồi đầu tuần này đang gây chú ý của dư luận.

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (ảnh), cho rằng: Triết lý về vai trò của nhà nước trong giáo dục rất đơn giản là làm sao để cho tổng nguồn lực của xã hội được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Nếu đọc giải thích về Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng, thì vai trò của nhà nước là để sửa chữa thất bại của thị trường và đảm bảo công bằng. Giáo dục là một dạng thất bại thị trường, nếu để mặc thì nó cung cấp không hiệu quả - giá có thể quá cao và lượng người tiếp cận được thấp, cần có vai trò của nhà nước.
Cái VN cần là một chính sách không phân biệt công - tư, phải cạnh tranh với nhau, ai làm tốt thì trợ cấp. Nguyên tắc là phải làm cho khu vực tư có điều kiện phát triển lên để cạnh tranh. Tuy nhiên, tư tưởng này chưa thấm sâu vào trong não bộ cơ quan quản lý, nên luật Giáo dục hiện nay quy định trường tư vẫn giống như “con ghẻ”.
Cần thay đổi cách phân bổ nguồn lực
VN xác định xã hội hóa giáo dục từ rất sớm, từ những năm 1990. Vậy tại sao sau một thời gian dài như vậy, khu vực tư vẫn là phận “con ghẻ” như ông nói?
Ai là người làm quản lý? Là những người đi lên từ hệ thống công lập. Tại đây có thứ gọi là “hiệu ứng sở hữu”, cái cảm giác “văn mình, vợ người” - của mình bao giờ cũng tốt hơn. Thứ hai, “cầu” của xã hội cũng là quan trọng. Nếu người học khắt khe hơn, muốn hàng hóa tốt, có thị trường đánh giá, thì sẽ có sự phát triển của khu vực tư, và sẽ làm thay đổi dần dần cả hệ thống. Nhưng ở VN còn có tư duy học để làm quan, ra trường là “chạy” tiền vào công chức. Điều này thể hiện cách nhìn của xã hội là phải vào khu vực công, thành ra coi trọng bằng công lập hơn dân lập, dần dần tạo ra sàng lọc. Khu vực tư không có đất dụng võ vì khu vực công áp đảo với quán tính quá lớn.

tin liên quan

Học sinh THCS ngoài công lập cũng cần được miễn học phí
Sáng 5.12, tại hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục, một số lãnh đạo Sở GD-ĐT khu vực phía bắc cho rằng việc miễn học phí với cấp THCS là cần thiết nhưng cần tính toán để những HS học trường ngoài công lập cũng được hưởng chính sách này.
Hậu quả của việc chúng ta tiếp tục phân biệt đối xử giữa khu vực công lập và dân lập là gì?
Thứ nhất là lãng phí sử dụng nguồn lực. Thứ hai là không thể cải cách được một cách triệt để hệ thống giáo dục vì sân chơi không bình đẳng. Khi cảm giác bất công tồn tại thì xảy ra rất nhiều tiêu cực. Hệ thống công lập đang tiêu tốn quá nhiều nguồn lực, mà bảo bọc như thế thì nó cũng không có động cơ để sáng tạo.
Theo ông, trong sửa đổi luật Giáo dục lần này, để công bằng hơn giữa khu vực công và tư, điểm nào nên thay đổi?
Phân bổ nguồn lực. Cốt yếu vẫn ở chỗ đó. Như tôi đã nói, chúng ta cần một chính sách không phân biệt công - tư. Nhà nước trong vai trò một “nhà đầu tư” chỉ nên đưa ra đề bài và kiểm định chất lượng.
Thay đổi cách phân bổ nguồn lực liệu có dễ không, vì đây chính là đụng chạm quyền lợi?
Rất khó. Hiện tại, do khu vực công quá lớn, khái niệm về trường công, chính quy ở VN quá nặng nề, thành ra sửa luật Giáo dục sẽ gặp phải lực cản lớn. Nhưng cái gì hiện tại đang xảy ra thì kệ - vì nó quá khó, đụng chạm đến rất nhiều người. Hãy bắt đầu làm mới từ cái tăng thêm.
Ví dụ ngân sách 100 đồng vẫn theo kiểu cũ, biết là kém hiệu quả, nhưng không thể khác được; còn tăng lên 10 đồng thì theo cơ chế cạnh tranh, dựa trên hiệu quả. Nếu vậy, 7 năm sau, khoản mới to bằng khoản cũ. 14 năm sau, khoản mới gấp 3 lần khoản cũ, thì lúc đó theo triết lý âm dương. Cách đó không chỉ có hiệu quả ở giáo dục mà cả ở các lĩnh vực khác ở VN.
Chính sách đang hỗ trợ người giàu, đẩy người nghèo vào thế bất lợi
Phân bổ nguồn lực cho giáo dục và y tế không chỉ là câu chuyện chi tiêu ngân sách mà còn chuyện bình đẳng, công bằng trong phúc lợi xã hội, vì rõ ràng những người học trường tư, khám bệnh ở cơ sở tư nhân không hề được hưởng trợ cấp mà họ đáng được hưởng, trong khi khu vực công chưa đủ để cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người?
Cái đó còn trục trặc hơn ở chỗ chính sách ghìm giá y tế, giáo dục thực ra là đang hỗ trợ người giàu và đẩy người nghèo vào thế bất lợi. Nếu làm 2 dòng - dòng dịch vụ cho những người khá giả và dùng nguồn đó để trợ cấp chéo cho những người yếu thế, thì sẽ nâng được cả 2 lên. VN lựa chọn khống chế giá thì lượng cung ít, mà lượng cung ít thì những người chỉ có khả năng trả đúng giá có vào khám được không? Cuối cùng, đối tượng chính sách muốn bảo vệ lại bị đẩy ra. Chính sách của chúng ta gọi là hỗ trợ người nghèo nhưng thực ra là hỗ trợ người khá giả và gây ra những trục trặc cho xã hội.
Học sinh một trường dân lập ở TP.HCM ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Lý tưởng của chúng ta là công bằng, nhưng hành vi là cào bằng?
Đúng. Cuối cùng là tạo ra bất công.
Sửa điều này có khó không, thưa ông?
Không có gì khó. Chúng ta hiểu sai là để giá thấp thì nhiều người được tiếp cận hay việc một bên giá cao sạch đẹp, một bên nhếch nhác thì ta thấy phản cảm, thiếu công bằng. Nhưng vấn đề là chúng ta phải kéo tất cả cùng đi lên, chứ không phải cùng nhếch nhác như nhau. Khu vực dịch vụ chất lượng cao có thể tạo ra nguồn lực để hỗ trợ phúc lợi xã hội. Đời chẳng có gì công bằng cả, nhưng ta phải tận dụng sự bất công đó để làm xã hội tốt lên.

tin liên quan

Chỉ cấp một loại văn bằng dù chính quy hay tại chức
Chiều 24.11, trao đổi với báo giới về những điểm dự kiến sửa đổi luật Giáo dục đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết thay đổi quan trọng là hướng tới quy định chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo.
Có 2 cách nhìn về công bằng: Một là người thổi sáo hay nhất nên được cây sáo tốt nhất vì lúc đó ông tạo ra giá trị tốt nhất cho xã hội; hai là phúc lợi xã hội bằng phúc lợi cho người có điều kiện thấp nhất. Nhà nước phải tạo ra 2 cơ chế: Khuyến khích ông thổi sáo hay phải thổi ngày càng hay và khuyến khích ông tệ nhất phải có nỗ lực. Nhà nước hãy tiết giảm tối đa sự tham gia của mình. Ở khu vực doanh nghiệp, Chính phủ đã khẳng định điều đó rồi. Giáo dục, y tế cũng thế.
Tạo cơ chế để công tư cạnh tranh lành mạnh
Nhiều nước hiện đang thực hiện cơ chế cấp phát cho người học, thay vì cấp phát cho cơ sở giáo dục. Ngôn ngữ kinh tế học người ta gọi là chuyển từ trợ cấp bên cung (cho các trường) sang bên cầu (cho người học). Khi trợ cấp cho bên cầu thì có một lợi thế nữa ngoài việc tạo sự công bằng cho học sinh (HS) trong tiếp cận giáo dục là tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục. Nếu trường tư họ được tiếp nhận càng nhiều HS - đối tượng được hưởng trợ cấp ngân sách của nhà nước - thì ngân sách nhà nước chuyển về cho họ càng nhiều. Vì thế, bắt buộc trường công và trường tư phải cạnh tranh với nhau về chất lượng giáo dục để thu hút HS.
Một khi đã trợ cấp cho người học thì phải chấp nhận việc sử dụng cơ chế thị trường tự điều tiết. Trường nào chất lượng tốt, phù hợp thuận tiện thì người học chọn. Cho nên chúng ta phải tính toán bài toán tài chính kỹ lưỡng, để xác định giáo dục bắt buộc ở mức chất lượng nhà nước cam kết là đến đâu. Phải tính lượng ngân sách cho HS, theo đầu HS. Một khi đã xác định có thể chi trả cho người học đến mức độ nào đó, thì việc HS cầm đồng tiền đó để học ở đâu, trường công hay tư, thì đâu làm thay đổi gánh nặng ngân sách. Còn như hiện nay mình phổ cập giáo dục tiểu học nhưng chỉ HS trường công được hưởng (dù tỷ lệ HS trường tư là rất ít so với tổng thể) là đang làm trái luật.
Khi chúng ta công bố không phân biệt công tư, thì nên có một sự đối xử bình đẳng. Tất nhiên, lúc bây giờ thì trường tư cũng phải thực hiện những nghĩa vụ xã hội tương tự trường công. Ví dụ trường công là trường phi lợi nhuận thì các trường tư được hưởng sự bình đẳng đó cũng phải phi lợi nhuận.
PGS Vũ Cương
(Trưởng bộ môn kinh tế công cộng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân)
Quý Hiên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.