Chính sách phải đến được dân

Mai Hà
Mai Hà
23/03/2023 04:21 GMT+7

Trong Chỉ thị 07/CT-TTg về tăng cường truyền thông chính sách vừa ban hành, Thủ tướng nêu rõ báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin quan trọng để truyền thông chính sách mà cơ quan quản lý các cấp phải quan tâm chú trọng.

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới công tác truyền thông chính sách. Cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách, với mục tiêu cao nhất làm sao để mọi chính sách phải đến được người dân, với tinh thần lấy dân làm gốc.

Nói một cách dễ hiểu, truyền thông chính sách là thông qua báo chí, các kênh thông tin, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước, của các bộ ngành, địa phương tới từng người dân; cụ thể hóa chính sách vào cuộc sống cũng như mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Trong đó, báo chí nói riêng đóng vai trò cầu nối quan trọng, tạo sự lan tỏa và thấu hiểu giữa nhà nước và người dân.

Còn nhớ 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, các thông tin tuyên truyền kịp thời từ chính sách cách ly y tế, truy vết đến tiêm vắc xin... đã giúp chính quyền và người dân đồng hành chiến thắng đại dịch, giúp VN trở thành một trong những nước có độ phủ vắc xin lớn nhất thế giới, kinh tế xã hội sớm hồi phục.

Một ví dụ khác là việc lấy ý kiến nhân dân để sửa luật Đất đai đang được triển khai sâu rộng. Để thành công, vai trò của báo chí cực kỳ quan trọng. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin giúp người dân hiểu hơn các thông tin dự luật khá khô khan và đặc thù, mà ở chiều ngược lại có thêm những phân tích xác đáng, chỉ ra mặt còn hạn chế, cần sửa đổi để dự luật khả thi và toàn diện hơn.

Giữ vai trò quan trọng như vậy, song thực tế thời gian qua công tác truyền thông chính sách lại chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" khi các cơ quan Quốc hội, Chính phủ rất tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin tới người dân, thì một số bộ ngành, địa phương lại đùn đẩy, né tránh cung cấp thông tin hoặc coi nhẹ vai trò của báo chí trong tuyên truyền chính sách.

Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, không gian mạng cũng như đời thực, có cả tin tốt lẫn tin xấu. Nếu tin xấu độc, tin giả, được xem là "rác" trên không gian mạng, thì các bộ ngành, địa phương có vai trò không nhỏ trong việc xử lý và dọn "rác" thông tin trong lĩnh vực mình quản lý. Muốn như vậy, bản thân chính quyền các cấp phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, thay vì né tránh, đùn đẩy.

Báo chí phải là dòng chảy chính thống, song sứ mệnh này đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết trong cuộc chiến thông tin hiện nay, nhất là khi các mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới đang có phần lấn lướt. Để dẹp lùi tin giả (fake news), công tác truyền thông chính sách càng cần được chú trọng, chuyên nghiệp hơn nữa trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Các bộ ngành địa phương phải thay đổi từ tư duy đến thói quen, không chỉ "đặt hàng", cung cấp thông tin mà cần coi báo chí là người bạn, là cầu nối thông tin không thể thiếu, có như thế chính sách mới đến được từng người dân và cụ thể hóa vào đời sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.