Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - cho rằng việc thu hút khách quốc tế là hết sức quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào, không chỉ riêng Việt Nam vì đóng góp vào phát triển kinh tế.
Câu chuyện visa cho khách du lịch quốc tế là thử thách đã kéo dài từ lâu không phải đến bây giờ. Xét trên tổng thể, Việt Nam là một điểm không thua kém các nước trong khu vực, có 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà thế giới đã công nhận. Đây là nền tảng hấp dẫn du khách rất lớn mà không phải nước nào cũng có. Bên cạnh đó, các di sản văn hóa cấp quốc gia cũng nhiều, có nhiều bãi biển mang tầm quốc tế. Đặc biệt, chúng ta là điểm đến rất an toàn thân thiện... là những tiêu chí quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Điều này đã được thể hiện qua các giải thưởng lớn nhiều năm qua. Mới nhất là năm 2022, hàng loạt những giải thưởng được trao cho Việt Nam như điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.
"Vậy tại sao trong một thời gian rất dài khách quốc tế lại ngại đến Việt Nam? Tại sao họ chưa chọn Việt Nam? Việt Nam mở cửa đầu tiên sau Covid-19 nhưng lại phục hồi chậm nhất?"- TS Phạm Trung Lương đặt câu hỏi. Theo ông Lương, nếu chúng ta không khắc phục được điểm nghẽn này thì trong thời gian dài sẽ còn thiếu du khách quốc tế. Có nhiều yếu tố quyết định ảnh hưởng việc lựa chọn điểm đến sau Covid-19 của du khách. Đó là hình ảnh điểm đến, các giá trị hấp dẫn. Thứ hai là điều kiện để tiếp cận điểm đến, trong đó có visa. Chẳng hạn, ấn tượng đầu tiên khi đến đất nước là rất quan trọng, là nụ cười của nhân viên ở cửa khẩu. Tiếp theo là đường bay thẳng để du khách dễ dàng đến Việt Nam.
Song song đó là sản phẩm để trải nghiệm, sản phẩm đặc thù, khác biệt với các quốc gia khác. Tiếp theo là những yếu tố về môi trường du lịch, văn hóa; tiện ích ở điểm đến bao gồm thủ tục di chuyển, chi phí về thời gian... "Ngay ở TP.HCM muốn đi Cần Giờ hay Củ Chi thì chi phí thời gian rất lớn. Đây là yếu tố mà khách du lịch khá cân nhắc để lựa chọn điểm đến", ông Phạm Trung Lương ví dụ.
Trong một thời gian rất dài hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam hầu như không thay đổi; chưa có nhiều sản phẩm mang tính khác biệt. Hay như phát triển kinh tế đêm dù Việt Nam đã có một chút cởi mở nhưng vẫn chưa phát triển được. Chẳng hạn, khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu khoảng 7,5 USD/người/đêm trong khi ở Thái Lan họ chi hơn 30 USD/người/đêm và ở Singapore là hơn 100 USD...
Tổng hợp nhiều yếu tố mà ngành du lịch Việt Nam còn thua các nước, nhưng TS Phạm Trung Lương khẳng định lại trong đó, visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết mà đã tồn tại lâu dài. Hiện có 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam và thời gian lưu trú quá ngắn. Để tháo gỡ điểm nghẽn, Chính phủ cần phải bắt đầu từ visa, mở thêm nhiều đường bay thẳng nữa. Nếu không đầu tư mở đường bay thẳng thì sẽ khó thu hút khách quốc tế.
"Chính phủ cần lắng nghe và thấu hiểu, tháo gỡ cho ngành kinh tế mũi nhọn. Các bộ ngành cũng cần chia sẻ và phải hành động quyết liệt vì nếu không thì lần sau lại vẫn nói nữa", TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Bình luận (0)