Hút khách quốc tế 'cứu' du lịch: Mở visa, rộng cửa đón khách

18/02/2023 06:56 GMT+7

Chính sách thị thực thông thoáng chính là chìa khóa mở cửa cho ngành du lịch phát triển. Nhiều quốc gia áp dụng cách này đã hái quả ngọt với lượng khách quốc tế tăng vọt.

"Thần dược" giải "cơn khát" khách du lịch

"Nếu họ làm điều này với Trung Quốc (thắt chặt quy tắc nhập cảnh), chúng tôi sẽ thấy khó chịu. Thái Lan rất thân thiện và không cần visa nên chúng tôi đã chọn đây là điểm đến nước ngoài đầu tiên", tờ South China Morning Post dẫn lời du khách Wang Zhiying đến từ Bắc Kinh. Đây là một trong những du khách đầu tiên đến Bangkok sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa. Không chỉ với riêng Wang Zhiying, điểm đến được miễn thị thực luôn là một trong những yếu tố hấp dẫn đầu tiên với bất kỳ tín đồ du lịch nào khi lên kế hoạch cho chuyến du ngoạn.

Hút khách quốc tế 'cứu' du lịch: Mở visa, rộng cửa đón khách - Ảnh 1.

Chính sách thị thực thông thoáng sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho VN trong cuộc đua hút khách ngoại

NHẬT THỊNH

Đó là lý do vì sao ngay khi tình hình dịch bệnh toàn cầu được kiểm soát tốt hơn, ngành dịch vụ du lịch rục rịch trở lại, các công ty lữ hành Thái Lan đã hối thúc chính phủ miễn lệ phí thị thực để hút khách quốc tế, đồng thời gia hạn thị thực du lịch tối đa đến 45 ngày để khuyến khích du khách lưu trú lâu hơn. Thời điểm đó, lệ phí cho những người xin thị thực trước khi nhập cảnh là khoảng 1.000 baht (gần 35 USD) và lệ phí thị thực khi nhập cảnh là 2.000 baht. Cá biệt, người Ấn Độ phải trả khoản lệ phí xin thị thực nhập cảnh Thái Lan từ 8.000 - 10.000 baht.

Song, quyết liệt đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2022, chính phủ Thái Lan đã nhanh chóng thông qua các đề xuất mở chính sách thị thực từ phía doanh nghiệp (DN) với quan điểm được Tổng cục Du lịch Thái Lan nhấn mạnh: Đối với những khách du lịch chi tiêu cao, lệ phí thị thực có thể là không đáng kể nhưng nếu họ có thể tiết kiệm chi phí này thì sẽ có thêm tiền để chi tiêu khi đi du lịch trên khắp đất nước, điều này sẽ trực tiếp kích thích kinh tế địa phương.

Kết quả, xứ sở chùa Vàng đã xuất sắc đón tới 11,8 triệu khách quốc tế sau chưa đầy 1 năm chính thức mở cửa và tiếp tục đặt mục tiêu tới 25 triệu khách quốc tế trong 2023, trên cơ sở kéo dài chính sách visa 45 ngày với những thị trường được miễn visa.

Tương tự, mở cửa sau Thái Lan và VN, Indonesia chỉ "dè dặt" đặt mục tiêu đón 3,6 triệu khách quốc tế trong 2022. Từ tháng 1 - 8, nước này mới "chạy" đến con số 1,8 triệu khách ngoại tới du lịch. Nỗ lực đạt chỉ tiêu, tháng 9.2022, chính phủ Indonesia đã áp dụng nhiều chính sách thị thực mới, trong đó có nâng thời gian miễn visa cho du khách lên 60 ngày, đến 180 ngày đối với những người có 100.000 USD. Một tháng sau, Indonesia tiếp tục công bố chính sách thị thực "Second home", cho phép người nước ngoài ở lại 5 - 10 năm ở quốc gia này với mục đích chính là thu hút du khách nước ngoài đến Bali cũng như các điểm đến khác của Indonesia. Không gây thất vọng, chỉ trong 3 tháng cuối cùng của năm, lượng khách đến Indonesia tăng "chóng mặt", đưa ngành du lịch chạm mốc 5,5 triệu khách quốc tế năm 2022.

Không chỉ được coi là "thần dược" giải "cơn khát" khách quốc tế với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành công nghiệp không khói, chính sách visa cũng được các nền kinh tế mạnh trên thế giới sử dụng triệt để khi bắt đầu chủ trương phát triển du lịch.

Điển hình là Hàn Quốc. Tháng 3.2017, chính phủ Hàn Quốc ra thông báo miễn visa nhập cảnh 5 ngày cho du khách Đông Nam Á, trong đó có VN tới thăm đảo Jeju, tạo điều kiện để du khách được tham quan Seoul và các TP phía nam mà không cần thị thực. Đến đầu tháng 10, nhà chức trách Hàn Quốc tiếp tục "nới" điều kiện chứng minh tài chính đối với du khách Việt, mở rộng đối tượng được xét cấp thị thực đi lại vào Hàn Quốc nhiều lần.

Loạt chính sách visa này ngay lập tức phát huy tác dụng khi Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết năm 2017 lượng du khách Việt đến Hàn tăng trưởng nhanh chóng, tính đến tháng 11.2017 đã đạt mốc 302.264 lượt, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016. Cuối năm 2018 sau khi chứng kiến 1 năm kinh tế trì trệ, ngành du lịch nước này tiếp tục chơi "đòn" cao tay khi công bố chính sách thị thực "mở" chưa từng có cho một số quốc gia châu Á, trong đó có VN và Trung Quốc. Lập tức, các DN lữ hành VN ghi nhận bùng nổ tour Hàn Quốc. Cùng lúc, dòng khách cá nhân từ Trung Quốc đạt mức tăng trưởng mạnh. Nhờ những nỗ lực đó, xứ sở Kim Chi đã "toại nguyện" với năm 2019 đạt kỷ lục lượng khách quốc tế, đạt 17,5 triệu người, mang lại nguồn thu 21,56 tỉ USD cho nền kinh tế.

Đừng để khách "ngại" VN chỉ vì visa

Mở cửa trở lại sau đại dịch với những thách thức rất lớn từ khoảng trống các nguồn khách "ruột", du lịch VN nhanh chóng xác định phải đa dạng thị trường, hướng đến các dòng khách mới.

Trong đó, Ấn Độ, dòng khách Trung Đông và Mỹ, Úc là những thị trường tiềm năng hàng đầu. Ngay từ khi mở cửa hồi tháng 3.2022, Đại sứ VN tại Mỹ khi đó là ông Nguyễn Quốc Dũng và Đại sứ VN tại Ấn Độ khi đó là ông Phạm Sanh Châu trong các cuộc hội thảo đều khẳng định du khách Mỹ, Ấn Độ luôn xem VN là điểm du lịch hấp dẫn từ cả góc độ thắng cảnh, lịch sử, văn hóa và ẩm thực. Ngày càng nhiều người trong giới giàu có của hai nước này quan tâm tới các điểm đến ở VN. Thế nhưng, dù nỗ lực mở nhiều đường bay thẳng, cả năm 2022, VN cũng mới chỉ đón được hơn 100.000 lượt khách Ấn và chưa tới 300.000 lượt khách Mỹ.

Ông Phạm Văn Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, lý giải ngay: "Họ "ngại" visa". Chuyên phục vụ thị trường khách châu Âu và Mỹ, ông Du đồng tình khách Mỹ, Ấn Độ và đặc biệt là Áo rất thích VN. Tuy nhiên, việc phải làm các thủ tục visa khiến họ thường xuyên phàn nàn.

"Khách Áo, Ấn Độ đều từ trung lưu trở lên, mức chi tiêu rất lớn. Từ cách nay nhiều năm, mỗi ngày ở VN, tổng chi của đối tượng khách này đã đạt tới gần 200 USD/người. Thế nhưng, đã qua hơn 1 năm kể từ khi mở cửa, nhiều đối tác từ các thị trường này vẫn than với chúng tôi về vấn đề thị thực. Trong bối cảnh nguồn khách đang còn hạn hẹp, thị trường giới hạn, du lịch cần nhân cơ hội mở hết các nút thắt để tăng lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng tốc phục hồi", ông Du đề xuất.

Theo ông Chris Farwell, Ủy viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), từ khi mở cửa du lịch đến nay, VN không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại. Trên thực tế, một số thủ tục còn trở nên khó khăn hơn và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút khách quốc tế, mặc dù VN đi trước Thái Lan trong việc mở cửa. Nhiều du khách phàn nàn họ không thể dễ dàng xin visa du lịch tại các đại sứ quán của VN như trước Covid-19. Họ được yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh. Đây là một gánh nặng mới về thủ tục hành chính.

Ông Chris Farwell khuyến nghị điều cốt yếu để hấp dẫn du khách quốc tế hiện nay là phải ngay lập tức có những thay đổi về chính sách visa. Mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa (các nước ở châu Âu, Úc, New Zealand, Canada), kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến VN. Đồng thời, việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng.

Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Nếu VN nhanh chóng hành động, chớp cơ hội thu hút thị trường này, cộng với một số thị trường lớn khác như Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ... thì con số mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế hoàn toàn có khả năng đạt được.

Ông Chris Farwell

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.