Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, sau khi Bộ GD-ĐT thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB-XH và Ủy ban dân tộc, có 11 thông tư, quyết định chính thức bị bãi bỏ từ 14.1.2025.
Các văn bản trong lĩnh vực giáo dục bị bãi bỏ gồm:
Thông tư liên Bộ ngày 21.4.1994 của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý ngân sách giáo dục và đào tạo.
Theo thông tư này, Bộ GD-ĐT sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trong việc xây dựng, tổng hợp và dự kiến phân phối ngân sách toàn ngành. Bộ Tài chính và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào các đề xuất của Bộ GD-ĐT xem xét, cân đối ngân sách trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.
Hiện nay các văn bản căn cứ ban hành Thông tư liên tịch số 35 đã được thay thế bởi các quy định của luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và quy định tại luật Giáo dục 2019.
Thông tư liên tịch ngày 16.3.1999 của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chế độ phục vụ y tế cho học sinh nước ngoài học tại Việt Nam.
Chính thức bãi bỏ 11 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục
Theo đó, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh là người nước ngoài học tại các trường của Việt Nam thuộc diện hiệp định hoặc không thuộc diện hiệp định nhưng đã được đồng ý của Chính phủ Việt Nam trước khi vào học tại Việt Nam, trong thời gian học tập tại Việt Nam được hưởng chế độ phục vụ y tế không phải trả tiền theo quy định tại thông tư này.
Tuy nhiên, một số điều của thông tư không còn phù hợp với luật Bảo hiểm y tế (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Luật Bảo hiểm y tế đã quy định người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của nhà nước Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng, với mức hưởng là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư ngày 22.7.2010 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực, 28 chuẩn, 120 chỉ số, là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu, nội dung chăm sóc, giáo dục, lựa chọn và điều chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục cho phù hợp với trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Bộ GD-ĐT lý giải việc bãi bỏ thông tư này là do trong những năm qua, việc thực hiện Thông tư 23 đã cơ bản đáp ứng mục đích hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non của trẻ 5 tuổi.
Qua kiểm tra, giám sát và báo cáo của các địa phương, việc cùng lúc thực hiện 2 văn bản (vừa thông tư ban hành chương trình giáo dục mầm non, vừa thông tư ban hành bộ chuẩn) gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non (dễ phát sinh hồ sơ, sổ sách), trong khi nội dung bộ chuẩn đã được chuyển hóa vào chương trình giáo dục mầm non.
Thông tư ngày 30.5.2011 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH, gồm định hướng phát triển và kế hoạch khoa học và công nghệ; thực hiện kế hoạch khoa học và công nghệ; quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; khen thưởng và xử lý vi phạm.
Theo đó, luật Giáo dục ĐH đã sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định “Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH”. Hiện nay, nội dung của Thông tư số 22 đã được đưa vào Nghị định số 109 năm 2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH.
Thông tư ngày 12.4.2013 của Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục ĐH, dành cho người tốt nghiệp ĐH trở lên, chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và có nguyện vọng trở thành giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo ĐH. Mục tiêu là nhằm bổ sung nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đến nay, vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đã được quy định tại Quyết định ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên ĐH ban hành năm 2022.
Theo đó, đối tượng bồi dưỡng là viên chức giảng dạy hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập và đang làm việc ở vị trí công tác phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên ĐH, hoặc các cá nhân có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên ĐH.
Ngoài ra, còn các thông tư về quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc sở GD-ĐT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý giáo dục hòa nhập; chương trình tiếng Khmer ở trường tiểu học...
Bình luận (0)