Theo các đề xuất này, nghiên cứu sinh (NCS) có thể coi như nhân sự chính thức của trường ĐH.
MIỄN 100% HỌC PHÍ, HỖ TRỢ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
Không phải đến thời điểm này vấn đề xem NCS như người lao động thuộc trường ĐH mới được đặt ra. Mô hình này đã được triển khai trong thực tế ở một số trường.
Từ năm 2018, ĐH Kinh tế TP.HCM bắt đầu có quy định chế độ làm việc đối với NCS học tập theo hình thức tập trung liên tục tại trường (NCS toàn thời gian). Người học bậc tiến sĩ trong trường hợp này được xem là nhân sự làm việc toàn thời gian và phải ký hợp đồng với trường. Chấp nhận hình thức đào tạo này, NCS được miễn 100% học phí, được bố trí không gian làm việc, bố trí chỗ ở không thu phí trong các cơ sở lưu trú của trường (nếu sinh sống ngoài TP.HCM). Trong quá trình thực hiện đề tài, NCS được hưởng mức hỗ trợ tài chính tương đương viên chức chính thức của trường. Ngoài ra, NCS có thể tham gia giảng dạy và hưởng thù lao như giảng viên thỉnh giảng có học vị thạc sĩ (thời gian tối đa dạy học không quá 450 giờ/năm, tương đương 50% định mức giờ chuẩn của giảng viên).
Nhưng ngược lại, ĐH Kinh tế TP.HCM cũng yêu cầu NCS thực hiện các nghĩa vụ với trường như: làm việc mỗi tuần 40 giờ, ngoài thời gian học và tham gia các hoạt động khác khi được sự đồng ý của người hướng dẫn, NCS phải làm việc tập trung tại phòng làm việc. Đặc biệt, trước khi bảo vệ luận án cấp trường, người học phải công bố tối thiểu 1 bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI-Scopus và 1 bài trên Tạp chí Jabes phiên bản tiếng Anh (công trình nghiên cứu được công bố phải đứng tên với tư cách là thành viên thuộc trường). Nếu không hoàn thành nghĩa vụ công bố, người học phải hoàn trả mức học phí đã được hỗ trợ.
Năm 2019, ĐH này tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ quốc tế miễn học phí cho người học. NCS cần đáp ứng đồng thời 3 điều kiện để được miễn học phí như: cam kết làm việc toàn thời gian; đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0 trở lên và cam kết công bố ít nhất 2 bài báo khoa học quốc tế có xếp hạng từ Scopus trở lên.
Trường ĐH Việt Đức hiện đang đào tạo tiến sĩ toàn thời gian và hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong quá trình đào tạo tại trường, các NCS được xem như cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của trường - tương tự mô hình đào tạo tiến sĩ tại các ĐH của CHLB Đức. Người học cũng tham gia vào các dự án, đề tài nghiên cứu cùng giảng viên trong trường và các công tác đào tạo và học vụ. Quan trọng, người học vừa không đóng học phí vừa được nhận học bổng hoặc lương tùy thuộc việc tham gia vào các dự án nghiên cứu của người hướng dẫn. Nhưng theo tiến sĩ Viên: "Tuyển sinh chương trình này không dễ, chủ yếu người học thạc sĩ tại trường tiếp tục đăng ký làm NCS. Nhóm ứng viên khác thường là cán bộ giảng dạy, nghiên cứu ở các đơn vị có năng lực nghiên cứu và tiếng Anh tốt".
HỌC BỔNG DÀNH CHO NGHIÊN CỨU SINH
Để đầu tư cho chất lượng bậc đào tạo tiến sĩ, nhiều cơ sở đào tạo ĐH hiện đang thực hiện cấp học bổng giá trị cao cho người học. Chẳng hạn, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình học bổng dành cho NCS, thực tập sau tiến sĩ có năng lực nghiên cứu xuất sắc. Theo đó, NCS được cấp học bổng tối đa 100 triệu đồng/năm căn cứ vào kết quả học tập, nghiên cứu (đơn vị đào tạo có thể xem xét quyết định miễn học phí cho NCS). Người thực tập sau tiến sĩ có học bổng tối đa 120 triệu đồng/năm. Để hưởng chính sách này, người học phải đáp ứng điều kiện đăng ký ban đầu cũng như các trách nhiệm trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thực hiện cấp học bổng cho người học bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại trường. Trong đó, NCS được nhận học bổng 100% học phí nếu là tác giả chính của 2 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI, trong đó có ít nhất 1 bài thuộc nhóm Q1 và sử dụng địa chỉ của trường sau tên tác giả. Mức học bổng 50% học phí dành cho tác giả chính 1 bài đăng trên tạp chí thuộc nhóm Q1 trong danh mục ISI hoặc tác giả chính của 2 bài trên tạp chí trong danh mục ISI và sử dụng địa chỉ của trường sau tên tác giả.
ĐH Quốc gia TP.HCM trung bình mỗi năm cấp 10 suất học bổng tiến sĩ, trị giá 75 triệu đồng/suất. Học bổng xét trên các tiêu chí như kết quả học tập, phạm vi ngành đào tạo, số giờ làm việc tối thiểu, chuẩn trình độ ngoại ngữ. Đặc biệt, NCS cần có sản phẩm nghiên cứu khoa học là 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục WoS/Scopus…
MUỐN NHƯNG CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC, VÌ SAO ?
Nhưng hình thức miễn học phí, ký hợp đồng trả lương cho NCS hiện chưa được triển khai ở nhiều trường do nhiều vướng mắc.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết mô hình NCS tham gia giảng dạy, nghiên cứu thực hiện luận án tập trung tại trường là mơ ước của nhiều trường nhưng đến giờ chưa làm được. PGS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết: "Nguyên nhân đến từ nhiều phía, người học 100% có việc làm nên không thể dứt ra để đi học vì học xong sẽ mất việc. NCS cũng không mặn mà với chuyện đi dạy và nghiên cứu toàn thời gian tại trường". Ngoài ra, theo PGS Nguyễn Xuân Hoàn, người hướng dẫn hoặc cơ sở đào tạo chưa có những dự án lớn để chi trả một phần chi phí cho NCS trong khi họ cũng cần thu nhập để trang trải cuộc sống. Chưa kể, khi người học tiến sĩ được coi là cơ hữu thì còn nhiều chế độ, chính sách liên quan có thể trở thành gánh nặng cho trường ĐH.
Thời gian tới, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM định hướng áp dụng 2 mô hình đào tạo tiến sĩ. Mô hình 1: Người học đăng ký học toàn thời gian và được sắp xếp giờ dạy như giảng viên cơ hữu, có lương và miễn học phí. Mô hình 2: người học bán thời gian (vì có công việc tốt mới đi học) thì coi như giảng viên thỉnh giảng.
Quy mô đào tạo tiến sĩ giảm mạnh trong các năm gần đây
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, quy mô đào tạo tiến sĩ cả nước có xu hướng tiếp tục giảm trong các năm gần đây. Ví dụ, năm học 2022 - 2023 trong số 7 khối ngành đào tạo, cả nước chỉ có hơn 8.600 NCS. Năm học 2020 - 2021 có trên 12.600 NCS. Quy mô NCS của năm học 2022 - 2023 giảm hơn 4.000 so với năm học trước đó.
Số NGHIÊN CỨU SINH ký hợp đồng với trường chiếm dưới 10%
Có thể nói, ĐH Kinh tế TP.HCM là một trong các đơn vị tiên phong thực hiện ký hợp đồng với người học tiến sĩ. Nhưng, PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH này, cho biết sau hơn 5 năm triển khai, số NCS ký hợp đồng với trường chiếm dưới 10% tổng số NCS trúng tuyển mỗi năm. Sau khi hoàn tất việc học, vài ba trường hợp xuất sắc được ký hợp đồng làm việc chính thức tại trường. Chia sẻ thêm về kết quả này, PGS Hùng cho biết các NCS đều công bố được 2 - 3 bài báo khoa học quốc tế sau khi hoàn thành luận án, chất lượng NCS tốt lên.
Theo PGS Hùng, các quy chế, quy định hiện nay đều cho phép các trường thực hiện chương trình này với những NCS chưa ký hợp đồng làm việc ở nơi khác. "Nhưng mô hình này thực ra chỉ phù hợp với người học theo định hướng nghiên cứu, thời gian học tập là thời gian tập trung hoàn toàn cho nghiên cứu và không tham gia các công việc khác. Hơn nữa, yếu tố quan trọng nhất chính là hệ sinh thái nghiên cứu tốt cho NCS làm việc, sinh hoạt chuyên môn, làm dự án, kết nối cộng đồng học thuật trong và ngoài nước", Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM nói thêm.
Bình luận (0)