Vụ giảng viên 'ứng xử không phù hợp': Có phải sinh viên ngày càng được nuông chiều?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
03/09/2024 19:34 GMT+7

Mới đây, một giảng viên ban đầu bị cho thôi việc vì có 'ứng xử không phù hợp với sinh viên' nhưng hôm nay (3.9) trường rút lại quyết định đó đã khiến vấn đề ứng xử giữa nhà trường với sinh viên đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, giảng viên (GV) này đã cho sinh viên (SV) ngành thiết kế đồ họa 0 điểm ở bài thi môn học màu sắc, với lý do sinh viên "đã sử dụng AI, không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của GV, dẫn đến chất lượng bài thi không khác chất lượng bài thi trước đó”.

Sau khi SV thắc mắc trong group lớp, GV đã nhắn tin trao đổi lại theo hướng phê bình, cho rằng SV không tự vẽ mà nhờ AI vẽ hộ. Theo chia sẻ của phụ huynh (chị gái của SV) trên mạng xã hội thì điều này đã khiến K.L xấu hổ, khóc vì tổn thương, từ đó gia đình yêu cầu trường thẩm định chất lượng GV…

Trường CĐ, nơi GV này giảng dạy, đã lập hội đồng phúc khảo để chấm lại bài thi và kết luận bài thi đạt 5 điểm. GV đã gặp trực tiếp để xin lỗi SV nhưng phụ huynh không chấp nhận mà yêu cầu GV phải xin lỗi trong group lớp. Và GV cũng đã vào group xin lỗi.

GV sau đó đã bị trường chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên sau đó trường họp lại và quyết định để GV tiếp tục giảng dạy.

Các trường có xu hướng muốn làm hài lòng "khách hàng sinh viên"?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Thanh Bình (Viện Nghiên cứu giáo dục) cho rằng sự việc diễn ra tại trường này và rất nhiều sự việc khác tại các trường ĐH thời gian qua, thuộc vấn đề ứng xử xã hội trong môi trường giáo dục.

Vụ giảng viên 'ứng xử không phù hợp': Có phải sinh viên ngày càng được nuông chiều?- Ảnh 1.

Sinh viên Gen Z dễ phản ứng với nhà trường, giảng viên nếu thấy không vừa ý

ẢNH: CHỤP TỪ CLIP

Ông Bình nhìn nhận: "Trong thời đại giáo dục được nhiều người xem như là một ngành dịch vụ, thì người học được xem như khách hàng. Ở đây trường đã xử lý theo tiêu chí 'đề cao quyền lợi của khách hàng' nên ban đầu đã có quyết định sa thải GV. Tuy nhiên, sau sự việc này SV có học giỏi hơn không, GV bị sa thải có tốt hơn không? Chắc chắn là không! Cái được duy nhất ở đây là nhà trường giữ được uy tín với 'khách hàng SV' vì đã làm vừa lòng SV".

Theo ông Bình, thế hệ Gen Z là một thế hệ dễ tổn thương, không sẵn sàng lắng nghe những lời góp ý... Các bạn có suy nghĩ khá sòng phẳng, cho rằng bỏ tiền ra đi học thì phải được chăm sóc như "khách hàng" nên chỉ cần không vừa ý, cảm thấy khó chịu một vấn đề gì dù nhỏ hay lớn là có thể phản ứng lại.

"Và thông thường, trường vì lo sợ ảnh hưởng uy tín mà xử lý những khủng hoảng theo cách làm hài lòng SV. Nghĩ đến quyền lợi của người học là đúng nhưng không phải vì thế mà hạ thấp vai trò của GV", ông Bình nêu quan điểm.

Bà T.N, quản lý một cơ sở giáo dục ĐH tại Q.3, TP.HCM, người từng đứng ra giải quyết nhiều vụ việc giữa SV với GV, cho biết một vấn đề muốn được giải quyết thỏa đáng thì trước hết phải xem xét có được quy định rõ ràng cụ thể trong trường hay chưa.

"Trước khi xử lý GV trong mối quan hệ mâu thuẫn với SV, thì các trường phải xem xét đúng sai, phù hợp hay không phù hợp, có gây hậu quả gì hay không... và nên lắng nghe cả ý kiến của các SV khác có liên quan", bà T.N phân tích.

Qua quan sát trong nhiều năm làm việc và tiếp xúc với SV, bà N. cho rằng SV Gen Z có nhu cầu được lắng nghe, tôn trọng và phản ứng cảm xúc mạnh mẽ hơn, có tính phản biện hơn các thế hệ trước đây.

"Ở các trường tư, nhất là thời điểm tuyển sinh và trong thời kỳ mạng xã hội phát triển như hiện nay, có thể các trường cũng ngại các sự việc ảnh hưởng đến trường nên chọn đứng về SV để tránh tổn thất. Chúng ta làm giáo dục vì giáo dục. Tôn trọng SV, người học nhưng phải nhìn nhận đa chiều, thấu đáo, có cách xử lý để cho SV và gia đình hiểu bản chất vấn đề sâu xa, hơn là lợi ích trước mắt, hơn là để làm hài lòng một cá nhân", bà T.N nhận định.

GV dần mất đi nhiệt huyết

Tiến sĩ K.T, GV Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: "Sau nhiều năm đi dạy nhiều trường, tôi nhận thấy SV bây giờ không còn giống những thế hệ trước đây. Các em tự cho mình 'quyền của thượng đế' nên GV luôn phải nhẹ nhàng, mềm mỏng, không dám nặng lời vì chỉ cần một lời nói không phù hợp là khiến các em tung lên mạng, từ nhỏ thành lớn, chỉ trích rất nặng nề".

Tiến sĩ T. bày tỏ bản thân và rất nhiều GV đã không còn nhiệt tâm, luôn chiều theo ý muốn của SV bằng cách "làm lơ" trước những cái sai của SV. "GV nào còn la rầy là còn có tâm, chứ không la rầy nghĩa là đã không còn muốn gây va chạm với người học. Các trường ĐH, CĐ bây giờ cũng trở nên dễ dãi trong cách xử lý những vụ việc, ngay cả trường công lập, vì lo SV sẽ lên mạng 'bóc phốt' gây ảnh hưởng trường", ông T. cho hay.

Lý giải về thực trạng này, ông T. cho rằng SV ngày nay ý thức rất rõ trường ĐH cần mình, có trách nhiệm chăm sóc, làm SV hài lòng. Dần dần GV cũng coi SV như khách hàng nên mối quan hệ thầy trò trong môi trường ĐH vốn xa cách giờ càng xa hơn. Trong bối cảnh các trường đều căng thẳng tuyển sinh, thì các trường sẽ thường muốn trấn an SV và dư luận hơn là tìm ra đúng sai.

"Sâu xa thì người thiệt thòi chính là SV. GV trở nên hờ hững hơn với SV, hoàn thành công việc rồi thôi chứ không còn tinh thần cống hiến của một người thầy thực sự. Được nuông chiều trong trường ĐH, khi ra xã hội phức tạp, thị trường lao động thanh lọc ngày càng cao, các em sẽ không thể thích nghi và lúc đó sẽ khó mà chống chọi", tiến sĩ T. nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, phụ huynh có con học Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho hay không chỉ bậc ĐH mà các bậc học khác hiện nay cũng gặp một số vấn đề tương tự, khi mối quan hệ giữa nhà trường, GV với phụ huynh, học sinh, SV được xem như là "dịch vụ". Bà Mỹ không đồng ý trường học giải quyết các vụ việc theo cách làm người học hài lòng mà không cần đúng sai.

"Nếu các trường tiếp tục ứng xử như vậy, GV sẽ ngại va chạm, thấy SV sai cũng không dám nói để giữ yên ổn cho mình, an toàn cho mình. SV sẽ tưởng mình đúng, mình giỏi. Điều này vô cùng nguy hại cho chính các con sau này", bà Mỹ chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.