Tại hội thảo, các đại biểu nêu lên một số vấn đề được cho là cản trở tiến trình tự chủ ĐH hiện nay, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục (GD) ĐH, trong đó yếu tố tài chính cho GD ĐH được xem là một điểm nhấn khiến ĐH có được tự chủ cao cũng khó bứt lên.
CẦN PHẢI TĂNG ĐẠT MỨC TRUNG BÌNH CỦA KHU VỰC
Theo GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là ưu tiên đầu tư cho giáo dục nhưng ngân sách cho GD ĐH nói riêng chỉ chiếm 0,27% của GDP (một số tài liệu nói là chỉ 0,25% - PV), thấp hơn nhiều lần so với khu vực và thế giới. Việc cắt giảm theo lộ trình chi thường xuyên làm cho các trường ĐH chưa tự chủ gặp khó khăn. Các trường tự chủ thì lấy học phí của người học để bù đắp vào các hoạt động của trường. Nguồn thu của các ĐH trong nước thường chiếm từ 60 - 90%, trong khi ở các nước khác nguồn thu này không quá 60%.
PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định hệ thống GDĐH của chúng ta đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản, đó là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn. Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên cũng giảm dần từ 21% năm 2019 xuống còn 19% năm 2020, và đến năm 2021 tỷ lệ này chỉ còn 15%.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, để thúc đẩy chất lượng giáo dục ĐH, nguồn lực từ nhà nước cần phải tăng đạt mức trung bình của khu vực, đóng vai trò chủ đạo và thúc đẩy huy động các nguồn lực khác. Đầu tư của nhà nước phải bảo đảm đầu tư vào nơi, vào lĩnh vực và trình độ đào tạo có hiệu quả cao nhất đối với lợi ích chung và lâu dài của cả xã hội. Về cơ chế, chính sách phân bổ, cần phân tách riêng và minh bạch hóa phân bổ ngân sách nhà nước cho GDĐH, cho tất cả cơ sở GDĐH. Nguyên tắc phân bổ dựa trên cơ chế cạnh tranh, cam kết sứ mạng, mục tiêu và cụ thể hóa thành KPI. Nhà nước cũng cần đổi mới cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo gói, dựa trên kết quả đầu ra (thay vì đầu vào); gắn với phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ, bảo đảm tỷ trọng chi các cơ sở GDĐH tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động.
GDĐH CẦN MỘT SỰ BỨT PHÁ
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tốc độ phát triển của GDĐH hiện nay là chậm, không có bứt phá. Nên cái chúng ta cần hệ thống GDĐH ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá. "Cho nên, câu chuyện chúng ta bàn từ đầu đến giờ cảm giác vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường ĐH cùng đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá", ông Nguyễn Kim Sơn bày tỏ và nói thêm: "Làm thế nào để các trường ĐH phát triển bứt phá, chỉ có phát triển mới có chất lượng, còn cứ loay hoay ứng phó với sự tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ là câu chuyện vô cùng khó".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến. "Hôm nay, tại diễn đàn này, tôi chỉ đề đạt một điều: Cần có đột phá về thể chế, mở đường cho tự chủ ĐH", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, phát triển GDĐH thể hiện ở 3 yếu tố: quy mô, cơ cấu và chất lượng. Trong đó yếu tố quy mô và cơ cấu gắn chặt với yếu tố chất lượng, không thể tách rời. Chất lượng là một thước đo rất quan trọng về mức độ đáp ứng nhu cầu nhân lực, cho nên khi bàn về sự phát triển của một trường ĐH thì suy cho cùng cũng là phải dùng đến cái thước đo yêu cầu về chất lượng, nếu không nói đến chất lượng thì chúng ta cũng không biết đánh giá theo cách nào. "Tôi đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần phải có sự đột phá về chất lượng. Nhưng đột phá thế nào, cần có sự định hướng", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Những lĩnh vực nhà nước cần ưu tiên đầu tư
Về câu chuyện phân bổ ngân sách , ông Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với đề xuất của các trường ĐH và Bộ GD-ĐT là cần phải tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho GDĐH.
Trước ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính về việc khó tăng ngân sách cho GDĐH, ông Vinh cho rằng việc tăng này không ảnh hưởng tới nguồn lực ngân sách chung, vì chỉ cần thay đổi về cơ cấu chi. Nếu mỗi năm tăng một ít, để sau 3 năm đạt được tỷ lệ chi gấp đôi cho GDĐH để tiến tới bằng các nước trong khu vực (tức là đạt 0,5% GDP), thì mỗi năm con số tăng tuyệt đối cũng chỉ 300 triệu USD, cỡ 7.000 - 8.000 tỉ đồng. "Nếu chúng ta vẫn đảm bảo 20% chi ngân sách cho GD-ĐT, thì tổng đầu tư khoảng 350.000 tỉ đồng/năm. Như vậy chỉ là điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong GD-ĐT, và con số đó trong số 350.000 tỉ đồng không phải là quá lớn. Và đây cũng không phải là khoản đầu tư quá lớn. Nhưng nó có thể đạt hiệu quả rất cao", ông Nguyễn Đắc Vinh phân tích và chia sẻ thêm: "Cái khó nhất cần phải giải quyết là khi tăng đầu tư thì tăng vào cái gì, tăng như thế nào? Bộ GD-ĐT chủ trì làm việc với các trường ĐH để xây dựng đề án giải quyết nội dung này. Tăng thì phải biết tăng vào cái gì cho hiệu quả, chứ nếu là bổ sung vào chi thường xuyên thì tôi e rằng cũng khó…".
Ông Nguyễn Đắc Vinh gợi mở: "Các đại biểu trong hội thảo nói nhiều về cơ chế đặt hàng. Vừa rồi đi Hàn Quốc, chúng tôi thấy cơ chế đặt hàng của chính phủ với trường ĐH của họ rất đơn giản. Nhà nước đưa ra một gói đầu tư, với một số yêu cầu để anh thực hiện trong bao nhiêu năm đó. Cách đặt hàng càng đơn giản thì khoản đầu tư càng đi nhanh vào các trường. Chúng ta sẽ giám sát bằng luật pháp, bằng cơ chế thanh tra kiểm tra thường xuyên. Đặt hàng kèm theo các quy định, các định mức quá chi tiết thì chúng tôi e rằng tiền thì chi mà vì nhiều cái trói buộc nên hiệu quả không đáng kể".
Về chính sách tập trung đầu tư phát triển một số cơ sở ĐH, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng đây là một vấn đề tạo áp lực với các cơ quan hoạch định chính sách vì ai cũng muốn được đầu tư. Vì vậy phải xây dựng tiêu chí, nguyên tắc đầu tư. "Tôi xin mạnh dạn nêu ra một vài lĩnh vực mà nhà nước cần ưu tiên đầu tư. Một là khoa học cơ bản, vì nó là gốc rễ xây dựng các công nghệ lõi. Thứ hai là khoa học kỹ thuật, đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư tốn kém, đất nước rất cần nhân lực, trong khi khối tư thục ít đầu tư đào tạo. Thứ ba là khoa học sức khỏe, trong đó chú trọng phát triển công nghệ sinh học. Thứ tư là chuyển đổi số. Thứ năm là phát triển đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực bán dẫn. Rồi một số lĩnh vực khác thuộc khoa học xã hội", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Bộ Tài chính nêu lý do ngân sách chi cho GDĐH hạn chế
Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, việc tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho phát triển GDĐH (tăng từ 0,25%/GDP năm 2018 lên 0,27%/GDP năm 2020, tương ứng từ 13.643 tỉ đồng lên 16.703 tỉ đồng) đã thể hiện sự ưu tiên quan tâm của nhà nước đầu tư cho GDĐH. Vì quy mô ngân sách nhà nước còn nhỏ nên số tuyệt đối còn khiêm tốn. Ông Hưng cũng giải thích, nguồn ngân sách nhà nước chi cho GDĐH do nhiều yếu tố khách quan như phụ thuộc vào tổng chi ngân sách nhà nước là hữu hạn; quy mô của GD phổ thông lớn nên chi ngân sách nhà nước cho GD phổ thông chiếm tỷ trọng lớn; GDĐH có điều kiện để tự chủ tài chính cao hơn… nên mức chi của ngân sách nhà nước cho GDĐH hạn chế hơn. Điều này về cơ bản phù hợp với thực tế hoạt động của lĩnh vực GD-ĐT, phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh tự chủ đối với GDĐH, trong đó có tự chủ về tài chính.
Bình luận (0)