Giáo dục ĐH lệ thuộc vào nguồn thu học phí

Quý Hiên
Quý Hiên
14/05/2023 06:05 GMT+7

Báo cáo của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã phân tích thực trạng tài chính của giáo dục đại học VN, từ đó đưa ra một số khuyến nghị với Chính phủ VN.


Gần đây, nhóm chuyên gia của WB đã gửi đến một hội thảo về tự chủ ĐH báo cáo phân tích về tài chính của giáo dục ĐH (GDĐH) tại Việt Nam, trong đó đề cập sâu về vấn đề chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực này.

ĐẦU TƯ MẠNH MẼ CHO GDĐH LÀ MỘT ĐÒI HỎI TẤT YẾU

Theo báo cáo này, Việt Nam có tham vọng trở thành một quốc gia có thu nhập cao và bình đẳng trong chia sẻ thịnh vượng kinh tế vào năm 2045. Để đạt được tham vọng này, sự đầu tư mạnh mẽ cho GDĐH là một đòi hỏi tất yếu.

Trong những năm gần đây, mặc dù hệ thống GDĐH Việt Nam đã đạt được một số thành tựu, nhưng chưa thực sự tương xứng với những kết quả nổi bật về tăng trưởng kinh tế công bằng và phát triển con người. Sự thành công của các mục tiêu, nỗ lực phát triển hệ thống GDĐH của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng đáng kể ngân sách hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu, đồng thời đảm bảo ngân sách được sử dụng hiệu quả.

Giáo dục ĐH lệ thuộc vào nguồn thu học phí  - Ảnh 1.

Các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam được nhận rất ít ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển

ĐÀO NGỌC THẠCH

KHI HỌC PHÍ LÀ NGUỒN THU CHÍNH CỦA ĐH

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam có thể được xem như "một ngoại lệ" (về đầu tư NSNN cho GDĐH) khi đang là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn thu học phí. Tỷ trọng ngân sách chi tiêu công phân bổ cho GDĐH là 0,23% GDP và 0,9% tổng chi tiêu công (đạt 4,9% trong tổng chi tiêu công cho giáo dục). Dựa vào số liệu của nhiều nguồn cho thấy khi đối sánh các chỉ số này với các quốc gia ở trình độ phát triển "đáng mong muốn" và các quốc gia ở trình độ tương đương, Việt Nam là thấp nhất.

Nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát một số trường ĐH về đóng góp của hộ gia đình dành cho GDĐH và thấy nguồn kinh phí này đã tăng đều đặn theo thời gian, thậm chí hiện nay đó là nguồn thu quan trọng nhất của các trường ĐH công lập. Năm 2017, NSNN còn chiếm được 24% trong tổng nguồn thu của các trường ĐH công lập được khảo sát, 19% đến từ các nguồn khác (như nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác), còn đóng góp của người học (học phí) là 57%. Nhưng 4 năm sau (2021), đóng góp của hộ gia đình đã tăng vọt lên 77%, nguồn NSNN giảm xuống chỉ còn tương đương 9%.

"Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chính GDĐH, gánh nặng tài chính cũng như nguy cơ bị bỏ lại phía sau ngày càng rõ ràng hơn cho học sinh (HS), sinh viên (SV) từ các hộ gia đình có khó khăn về tài chính", nhóm nghiên cứu cảnh báo. Từ đó nhóm kiến nghị: "Trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam cần đặc biệt tránh chuyển gánh nặng tài chính của GDĐH sang hộ gia đình/HS khi mà mức chi tiêu, đầu tư công cho GDĐH vẫn còn rất thấp, cũng như không để hệ thống GDĐH quá phụ thuộc vào nguồn thu học phí trong khi nhóm hộ nghèo vẫn đối mặt với nhiều hạn chế, ràng buộc về tài chính".

Giáo dục ĐH lệ thuộc vào nguồn thu học phí  - Ảnh 2.

Sinh viên ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hành trong phòng thí nghiệm

PHẠM HỮU


NGUY CƠ BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ TIẾP CẬN ĐH

Cũng theo nhóm nghiên cứu, cấu trúc của mô hình chia sẻ chi phí như trên đang trở nên thiếu bền vững và tạo nguy cơ bất bình đẳng (về khả năng tiếp cận ĐH) ngày càng cao. Trong khi đó, hỗ trợ tài chính cho SV (bao gồm học bổng và các khoản vay dựa trên nhu cầu) có phạm vi bao phủ thấp, giá trị nhỏ và điều khoản trả nợ kém hấp dẫn trong trường hợp các khoản vay. Việt Nam chưa có chương trình học bổng cấp quốc gia để hỗ trợ SV ĐH. Chính phủ đã yêu cầu các trường ĐH công lập cấp học bổng cho ít nhất 10% SV theo học. Tuy nhiên, chính sách này đang đặt gánh nặng tài chính lên trường ĐH (trong khi nguồn thu của trường ĐH lại chủ yếu từ học phí). Các trường ĐH cũng được hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên để cấp bù cho khoản học phí được miễn giảm cho SV trong diện ưu tiên. Nhưng những khoản miễn giảm này còn quá thấp (và đối tượng được miễn giảm quá ít), chưa đủ để có ảnh hưởng tích cực đáng kể nào tới công bằng trong tiếp cận GDĐH.

Chương trình cho vay HS, SV do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quản lý, là hình thức tín dụng SV duy nhất hiện có ở cấp độ hệ thống. Nhưng quy trình, thủ tục rườm rà, phức tạp và giá trị khoản vay chỉ giới hạn ở mức đủ hoặc gần đủ để trang trải học phí cơ bản dẫn đến tình trạng độ phủ ngày càng thấp. Số lượng HS, SV được thụ hưởng khoản vay ngày càng giảm dần, từ 2,4 triệu HS, SV năm 2011 xuống 725.000 HS, SV năm 2017 và chỉ còn 37.000 HS, SV trong năm 2021.

Năm 2023, Bộ GD-ĐT và WB đồng triển khai điều tra vấn đề này. Phân tích dữ liệu ban đầu cho thấy gần 15% HS và cha mẹ HS THPT gặp rào cản tài chính đã cân nhắc việc sử dụng tín dụng SV trong trường hợp học phí ĐH cao hơn khả năng chi trả. Trong đó, 49% phụ huynh và 50% HS đã tính tới phương án đổi ngành học nếu như học phí quá cao như: đổi sang ngành học có học phí thấp, chọn những ngành học được ưu tiên miễn giảm học phí, đổi sang ngành học có tiềm năng thu nhập cao hơn. Với phương án đi vay để học, các phụ huynh ưu tiên việc vay của người thân hơn là sử dụng tín dụng SV.

Chi tiêu công cho giáo dục cĐ - ĐH tính theo tỷ trọng GDP (%, 2019)

Giáo dục ĐH lệ thuộc vào nguồn thu học phí  - Ảnh 3.

Nguồn: NHÓM NGHIÊN CỨU CỦA WB

CHI CHO HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU CŨNG RẤT ÍT

Muốn trở thành quốc gia phát triển, Việt Nam cần ưu tiên công nghệ cao và các ngành ứng dụng công nghệ với lực lượng lao động được đào tạo bài bản, cần phải chuyển đổi các ngành kinh tế từ lắp ráp, đóng gói sang các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tinh vi hơn, có giá trị cao hơn. Nguồn nhân lực R&D có trình độ cao tập trung ở các trường ĐH, nhưng khả năng tiếp cận nguồn đầu tư R&D nói chung và NSNN cho nhóm đối tượng này lại thấp nhất.

ĐH công lập cần thêm từ 300 - 600 triệu USD/năm

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về thực trạng tài chính của giáo dục ĐH đưa ra 5 khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam, trong đó 4 khuyến nghị liên quan tới nội dung chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục ĐH (GDĐH).

Khuyến nghị 1 là Việt Nam cần điều chỉnh luật, quy định, chính sách liên quan tới tự chủ tài chính và trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Tránh đồng nhất tự chủ tài chính với "tự lực cánh sinh" về tài chính (financial self-reliance) hay hiểu theo nghĩa hẹp là không có hỗ trợ từ NSNN. Theo nhóm nghiên cứu: Không có quốc gia với hệ thống GDĐH phát triển nào lại rút dần cho tới giảm hoàn toàn việc tài trợ thường xuyên cho các cơ sở GDĐH, đặc biệt là các ĐH định hướng nghiên cứu, như ở Việt Nam".

Khuyến nghị 2 là tăng đầu tư, với tỷ trọng NSNN chi cho GDĐH nâng từ mức 0,23% lên ít nhất 0,8% - 1% GDP trước năm 2030. Việc này nhằm hỗ trợ các trường ĐH đảm bảo chất và lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng.

"NSNN cần đầu tư, chi tiêu thêm cho các cơ sở GDĐH công lập ít nhất 300 triệu USD (0,05% GDP) cho tới 600 triệu USD mỗi năm (0,16% GDP), giả định 80% SV tuyển mới để đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ theo học các cơ sở GDĐH công lập, với cấu trúc chia sẻ chi phí như hiện nay", báo cáo viết.

Khuyến nghị 3 là tăng đầu tư từ NSNN cho R&D tại các trường ĐH tương xứng với tỷ trọng nhân lực và tiềm năng nghiên cứu (mức đề xuất là nâng từ mức 13 - 18% hiện tại lên tối thiểu 30% trước năm 2026, tương xứng với mức đóng góp xấp xỉ 50% của trường ĐH vào nguồn nhân lực R&D chất lượng cao).

Khuyến nghị 4 là tăng cường hiệu quả của NSNN đầu tư cho GDĐH thông qua cải cách về cơ chế phân bổ, trách nhiệm giải trình và đơn giản hóa quy trình thủ tục song song với tăng cường hỗ trợ tài chính.

Khuyến nghị 5 là huy động nguồn lực bổ sung từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân thông qua PPP và đa dạng hóa nguồn thu.

Năm 2019, các trường ĐH đóng góp khoảng 50% nhân lực R&D có trình độ tiến sĩ và 50% thạc sĩ. Tuy nhiên, cán bộ, giảng viên nghiên cứu từ các trường ĐH chỉ tiếp cận được xấp xỉ 16% NSNN (ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương) cho R&D, chưa đến 7% trong tổng vốn đầu tư, chi tiêu cho R&D từ các nguồn (con số ước tính dựa trên báo cáo R&D 2019 từ Bộ KH-CN). Con số tương ứng cho các viện nghiên cứu hoặc cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia là 44% với NSNN, 17% trong tổng chi tiêu từ tất cả các nguồn.

Chi tiêu công cho nghiên cứu bị phân tán và được quản lý bởi nhiều cơ quan, bao gồm Bộ KH-CN, các bộ, ngành và/hoặc chính quyền cấp tỉnh. Sự phân mảnh này cản trở sự hợp tác giữa các trường ĐH và tổ chức nghiên cứu khác nhau, đặc biệt là những tổ chức dưới sự quản lý của các bộ/chính quyền địa phương khác nhau. Nó cũng tạo ra rào cản cho nghiên cứu liên ngành vì nhiều trường ĐH/viện nghiên cứu ở Việt Nam vẫn là đơn ngành.

Cấu trúc mô hình chia sẻ chi phí tại các CSGDĐH công lập năm 2017 và 2021

Giáo dục ĐH lệ thuộc vào nguồn thu học phí  - Ảnh 5.

Đóng góp của người học ngày càng tăng trong tổng nguồn thu của các trường ĐH công lập Việt Nam

Nguồn: WB tính toán dựa trên khảo sát các trường ĐH của Bộ GD-ĐT năm 2018 và khảo sát nhanh của WB năm 2022

KHI XÃ HỘI HÓA CHỦ YẾU DỰA VÀO HỌC PHÍ

Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân cốt lõi của các vấn đề nêu trên xuất phát từ chính sách tự chủ tài chính, đồng nhất tự chủ tài chính với việc cắt giảm hỗ trợ từ NSNN. Một thay đổi quan trọng về mặt chính sách trong năm 2015 là Chính phủ đã đưa ra cơ chế để các trường ĐH công lập giảm dần phụ thuộc vào NSNN và tăng cường chia sẻ chi phí. Chính sách này vốn chỉ có thể khả thi đối với một số ít trường ĐH có khả năng thu đủ học phí thông qua các ngành học, chương trình đào tạo có sức hút với SV.

Chính vì thế mà ở Việt Nam tồn tại quan niệm "xã hội hóa GDĐH", chủ yếu dựa vào học phí và các khoản đóng góp từ hộ gia đình. Oái oăm thay, quan niệm này chính là một trong 4 yếu tố cơ bản là rào cản cho việc tham gia của tư nhân, cho việc trường ĐH công lập áp dụng mô hình đối tác công - tư (Public Private Partnership- PPP) trong GDĐH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.