Vì sao một số trường cấm sinh viên dùng AI?

02/09/2024 18:05 GMT+7

Việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để "học hộ" và giúp làm bài tập bị đánh giá mang đến những tác động tiêu cực cho quá trình xây dựng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh, sinh viên.

Cuộc tranh luận liên quan tới việc nên hay không cho phép học sinh, sinh viên sử dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập bắt đầu "nóng" hơn kể từ khi những công cụ AI tạo sinh như ChatGPT, Midjourney, DALL-E... có thể tạo ra những sản phẩm khó phân biệt là thành quả của con người hay máy móc. Dù cấm hay ủng hộ ứng dụng, mỗi bên đều có lý lẽ rất riêng, nhưng đã không ít trường quyết định cấm việc sử dụng AI tạo sinh, đồng thời phạt nặng nếu phát hiện ra gian lận.

AI bị xem như mối nguy đối với tư duy phản biện của học sinh cũng như tính minh bạch trong học tập

AI bị xem như mối nguy đối với tư duy phản biện của học sinh cũng như tính minh bạch trong học tập

ẢNH: AFP

Hai trường đại học tại Pháp, Ấn Độ và rất nhiều trường học phổ thông thuộc các bang tại Úc, Mỹ đã tiên phong trong việc cấm học sinh, sinh viên sử dụng ChatGPT từ năm 2023 do công cụ này có khả năng viết luận trôi chảy với rất nhiều chủ đề khác nhau. Trong thông báo lệnh cấm, người phát ngôn của chính quyền thành phố New York (Mỹ) khẳng định trí tuệ nhân tạo "mang đến những tác động tiêu cực trong việc học tập của sinh viên, làm dấy lên lo ngại về tính đúng đắn và an toàn của nội dung. Công cụ này không giúp hình thành kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề - những yếu tố cần thiết trong nghiên cứu học tập cũng như cuộc sống sau này".

Một trường học tại Los Angeles (Mỹ) cũng tuyên bố tương tự nhằm "bảo vệ sự trung thực trong học tập trong khi chờ những đánh giá thêm về rủi ro cũng như lợi ích của công cụ này".

Tại Ireland, chính phủ yêu cầu các trường đại học xem xét phương án phạt đối với bất kỳ sinh viên tốt nghiệp hoặc đang theo học nào bị phát hiện có hành vi sai trái nghiêm trọng trong quá trình học tập của họ.

Trước thời kỳ ChatGPT "làm mưa làm gió" trên internet, chuyện thuê hoặc nhờ làm hộ luận văn, bài tập được xem là "vấn nạn đe dọa tính liêm chính của giáo dục" thì nay, AI tạo sinh được nhìn nhận là mối nguy mới vì các công cụ này về cơ bản đều miễn phí và rất dễ tiếp cận.

Song cũng có nhiều người tin rằng việc cấm ChatGPT trong học đường là sai lầm lớn. Thay vì lo sợ việc sinh viên gian lận bài tập, các trường được khuyến khích sử dụng AI để hỗ trợ giảng dạy, khai phá những khả năng sáng tạo mới, đồng thời giúp học sinh tiếp cận sớm với công cụ này.

Các công cụ phát hiện AI luôn có thể bị đánh lừa

Các công cụ phát hiện AI luôn có thể bị đánh lừa

ẢNH: AFP

Trưởng bộ môn tiếng Anh tại trường Marist (Mỹ) - Gina Parnaby cho rằng dù có cố cập nhật công cụ hoặc phương pháp phát hiện học sinh gian lận bằng AI thì các em cũng sớm tìm ra cách để lách. Do đó, thay vì tạo ra công cụ phát hiện gian lận, nhà trường nên tìm cách đưa quy định sử dụng AI vào thực tiễn, từ đó chỉnh sửa giáo trình, thay thế bài tập về nhà truyền thống bằng những bài kiểm tra hoặc làm việc nhóm để không thể gian lận bằng trí tuệ nhân tạo.

Tổ chức Avenues The World School tạo ra một khuôn viên ảo của trường, tích hợp Savvy - mô hình ngôn ngữ lớn tương tự ChatGPT. Học sinh có thể nhắn và hỏi trực tiếp Savvy để tìm sự hỗ trợ, giống như với giáo viên của mình. Nội dung câu hỏi sẽ liên quan tới các kiến thức tổng quát, từ đó giúp giao tiếp và tương tác giữa thầy - trò được cá nhân hóa hơn, tập trung vào việc học.

Sự phát triển không ngừng của các công cụ AI cho thấy đây sẽ là xu hướng không thể tránh khỏi trong nhiều năm tới, đòi hỏi phương án thích nghi của giáo dục. "Các mô hình ngôn ngữ sẽ ngày càng mở rộng tiềm năng, vậy nên chúng ta cần tìm ra cách để ứng biến và ứng dụng chúng, không phải cấm cản", Giáo sư Ethan Mollick của Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.