Gần 110 ha đất dọc kênh Nhiêu Lộc tại các phường 7, 9, 10, 11, 13 và 14 (Q.3, TP.HCM) dự kiến sẽ được chỉnh trang lại, trở thành khu đô thị với các tòa nhà cao đến 41 tầng, kết nối các tuyến metro, đường trên cao, xe buýt nhanh... với khu vực trung tâm TP và sân bay Tân Sơn Nhất.
Hình thành 7 dự án nhỏ
Theo đồ án nghiên cứu, khu vực chỉnh trang khi thực hiện sẽ hình thành 7 dự án nhỏ gồm: dự án khu chung cư trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ, dự án khu tái định cư tại khu vực Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, khu vực nhà ga Hòa Hưng và các khu chỉnh trang đô thị tại các phường 7, 9, 11, 14.
|
Tại khu chung cư trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ có tổng diện tích 23.356 m2, trong đó khu chợ Nguyễn Văn Trỗi có diện tích hơn 4.000 m2. Dự kiến quy mô dân số khoảng 6.868 người, gồm khoảng 200 căn hộ chung cư và 148 căn nhà riêng lẻ. Chức năng của dự án xây dựng mới kết hợp với căn hộ tái định cư, khu chức năng căn hộ kinh doanh kết hợp thương mại dịch vụ, khu công viên cây xanh giao cho quận quản lý (diện tích tối thiểu là 2.600 m2).
|
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.3 đã lập xong phương án bồi thường sơ bộ, với số tiền dự kiến hơn 1.581 tỉ đồng. UBND TP.HCM chấp thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại tại khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi trên địa bàn Q.3 theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Nếu được chọn, nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định được duyệt (bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh...).
Tại khu vực Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn có diện tích 10 ha là đất sạch nên sẽ được triển khai đầu tiên, xây dựng các khu chung cư cao khoảng 30 tầng để tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, làm nhà ở xã hội. Một phần đất sẽ được dùng làm viện bảo tàng của ngành đường sắt, xây dựng công viên văn hóa, văn phòng thương mại...
Tại khu nhà ga Hòa Hưng, nơi đây sẽ là khu vực nhà ga đường sắt, trạm metro, trạm xe buýt nhanh kết nối với trung tâm TP và sân bay Tân Sơn Nhất. Định hướng khu vực này sẽ không phát triển loại hình nhà ở mà xây dựng các tòa nhà cao khoảng 41 tầng làm trung tâm thương mại.
Tại các khu chỉnh trang đô thị ở các phường 7, 9, 11, 14 trải dài dọc kênh Nhiêu Lộc sẽ hình thành các khu dân cư thấp tầng để giảm áp lực dân nhập cư và xây dựng quỹ nhà tái định cư để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng. Định hướng là lấy ga Sài Gòn là đầu mối giao thông quan trọng của TP. Những chức năng khác sẽ được bố trí dọc bờ kênh Nhiêu Lộc. Dự án cũng sẽ tiến hành cải tạo cảnh quan hai bên bờ kênh, kết hợp dự án chỉnh trang đô thị, bổ sung các công viên tập trung, mở rộng và bảo tồn các nét đặc trưng văn hóa lịch sử từng khu vực.
Dành quỹ đất làm công viên
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho rằng dù Q.3 là một quận trung tâm, nhưng hiện không có công viên cây xanh. Chính vì vậy, khi tiến hành chỉnh trang sẽ là cơ hội để xây dựng các khu công viên công cộng. Trong khi đó, Q.3 có một lợi thế rất lớn là con kênh Nhiêu Lộc đi dọc địa bàn quận nên có thể tận dụng kênh rạch nội ô để thiết kế đô thị kết hợp du lịch. Việc chỉnh trang theo ông Nhã, không chỉ phục vụ cho Q.3 mà còn phục vụ cho cả TP.HCM. “Nên nén lại, tăng độ cao của công trình để thêm không gian xanh, không gian công cộng. Đồ án chạy dọc con kênh Nhiêu Lộc nên công trình kiến trúc phải hài hòa cảnh quan sông nước”, ông Nhã đưa ra ý kiến.
tin liên quan
Đấu thầu công khai để chỉnh trang đô thịĐồng tình, ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tại TP.HCM, cũng cho rằng rất nhiều khu đô thị đã được phát triển trên khu đất mới. Nhưng hiện nay đất chật hẹp trong khi khoảng 60% là nhà tạm bợ nên việc tái thiết rất tốt, cần thiết để dành đất cho cây xanh, công cộng... TP.HCM đang chậm hơn Hà Nội về vấn đề chỉnh trang, thiết kế đô thị.
“Cách làm của Hà Nội là chỉnh trang nhưng không can thiệp sâu hay đập phá các tuyến phố mà chỉ là can thiệp về kiến trúc. Trong khi đó, theo đồ án mà UBND Q.3 và đơn vị tư vấn đưa ra gần như làm mới hoàn toàn. Do vậy cần nghiên cứu thật kỹ vấn đề giải tỏa, di dời, tạm cư và tái định cư để làm sao người dân đồng thuận”, ông Tùng nói và chỉ thêm rằng khi nghiên cứu đồ án, ông chưa thấy đề cập tới việc bảo vệ các công trình kiến trúc, di sản văn hóa có thể bị ảnh hưởng. Do vậy cần cho nhiều nhà thầu tham gia dự án để đảm bảo tính khách quan chứ không nên chỉ định thầu hay tập trung ưu tiên cho một nhà thầu.
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị - HĐND TP.HCM, cũng nhận xét nếu nhìn vào đồ án nghiên cứu quy hoạch này sẽ thấy rằng đây là dự án làm mới hoàn toàn, nên sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư, nhất là câu chuyện đền bù và tái định cư. Đối với một dự án chỉnh trang đô thị lớn cả trăm héc ta, lại hoàn toàn không phải là đất trống trong khi nhà đa số rất nhỏ, đường sá ngoằn ngoèo như đồ án này là rất khó. Do đó, đồ án cần tính toán kỹ hơn đến việc tái định cư tại chỗ cho người dân nếu không sẽ rơi vào tình trạng nhiều dự án vẽ đẹp, nhưng không thực hiện được vì thiếu khả thi.
Có thể thu hẹp lại diện tích chỉnh trang vì đồ án nghiên cứu là vệt rất dài dọc kênh Nhiêu Lộc và tác động cả trăm ngàn dân nên sẽ rất khó để tiến hành giải tỏa, đền bù. Trong khi đó, hiện nay giao thông phần lớn là đường bộ, giao cắt rất lớn nên mở rộng đô thị đến đâu thì không kẹt cũng ùn. Trong khi không gian trên các con đường rất rộng mà chưa làm gì. Vì vậy, nên đề xuất cho chủ trương, nghiên cứu hệ thống đường trên cao ở các trục đường chính, thậm chí trên kênh Nhiêu Lộc. Khi làm trên cao sẽ không có giao cắt để bớt đi ảnh hưởng mặt giao thông hiện nay. Nếu nhà đầu tư làm sẽ được thu phí. Đồ án này triển khai thành công sẽ nhân rộng ra các quận, huyện khác.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
|
Bình luận (0)