Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về xử lý trách nhiệm vụ Formosa

19/07/2016 17:28 GMT+7

Tại cuộc họp báo chiều nay (19.7) công bố dự kiến chương trình và nội dung kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chính phủ sẽ báo cáo vụ Formosa tại kỳ họp này.

Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội có yêu cầu xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến vụ Formosa hay không, ông Phúc cho biết đây là việc sẽ được thực hiện. “Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan, có quy trình đánh giá đúng người, đúng việc, đúng mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp”, ông Phúc nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc bộ luật Hình sự tuy vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua và dự kiến có hiệu lực từ 1.7, nhưng phải tạm “treo” do phát hiện nhiều lỗi, ông Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận đây là điều đáng tiếc.
Tổng thư ký Quốc hội khẳng định Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng nhận trách nhiệm liên quan đến vấn đề này, tuy nhiên, ông Phúc khẳng định việc sai sót không phải do quy trình thủ tục. Theo ông Phúc, Quốc hội khoá 13 đã xây dựng được 107 bộ luật, trong đó văn bản quan trọng nhất và lớn nhất là Hiến pháp được đánh giá cao. Trong số 107 bộ luật, mặc dù chỉ có bộ luật Hình sự có sai sót lớn, các luật khác sai sót không đáng kể.
Theo ông Phúc, trên cơ sở xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng những sai sót liên quan, sẽ xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc soạn thảo và thông qua bộ luật này.
Kỳ họp xem xét, quyết định nhân sự cấp cao của Nhà nước
Báo cáo tóm tắt chương trình và nội dung kỳ họp, ông Lê Minh Thông, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho biết dự kiến kỳ họp khai mạc vào 20.7 và bế mạc 29.7.
Ông Lê Minh Thông cho biết, đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14, có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho các hoạt động của Quốc hội. Nội dung chính của kỳ họp này, theo ông Thông, tập trung chủ yếu vào việc xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Theo đó, ngoài 2/8 ngày dành để xem xét các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ dành tới 6/8 ngày làm việc cho công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Quốc hội sẽ bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng; bầu Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và phê chuẩn danh sách các phó chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Sau khi được phê chuẩn, các chức danh được Quốc hội bầu gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ. Hình thức thực hiện nghi thức tuyên thệ sẽ được thực hiện cơ bản như các chức danh được Quốc hội khoá 13 bầu, nhưng đảm bảo trang nghiêm hơn, như việc các Đại biểu Quốc hội sẽ đứng trong lúc các chức danh tuyên thệ và các Đại biểu không được quay phim, chụp ảnh.
Một số nội dung chính của chương trình kỳ họp (dự kiến)
20.7: Khai mạc kỳ họp, chương trình được truyền hình, phát thanh trực tiếp đến hết buổi sáng. Dự kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu.
21.7: Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
22.7: Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.
25.7: Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi kết quả được thông qua, Chủ tịch nước thực hiện nghi thức tuyên thệ.
26.7: Quốc hội bầu Thủ tướng bằng hình thức bỏ phiếu kín, sau đó Thủ tướng tuyên thệ.
27.7: Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ.
28.7: Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín và phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách các phó chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.
29.7: Quốc hội họp phiên bế mạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.