Rất nhiều vụ “bắt cóc trẻ em bán nội tạng” gây hoang mang nhưng khi
cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì đó chỉ là chuyện “nghe kể” hoặc
“tưởng tượng” của một số người.
Đỗ Vũ Tuấn Anh tại cơ quan công an - Ảnh: Mai Khôi |
Báo cáo của Công an tỉnh Lâm Đồng mới đây cho thấy ít nhất có 5 vụ dụ dỗ, bắt cóc trẻ em trên địa bàn đều là tin đồn thất thiệt. Trong đó có 2 vụ ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản (H.Đạ Tẻh), 2 vụ ở Trường tiểu học Phan Như Thạch (TP.Đà Lạt) và 1 vụ ở Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Bảo Lộc). Công an điều tra và 2 học sinh (HS) ở H.Đạ Tẻh đã thú nhận nói dối, tự dựng lên chuyện bắt cóc theo trí tưởng tượng. Tương tự, vụ HS tại TP.Bảo Lộc cũng được công an xác minh và kết luận là không có thật. Theo nhận định của cơ quan công an, có khả năng các vụ việc trên xảy ra do chịu tác động từ mặt trái của mạng internet và mạng xã hội nên một số phụ huynh, HS tự tưởng tượng ra.
“Mẹ mìn” trên... Facebook
Cũng tại Lâm Đồng, cơ quan công an đã xác minh Đỗ Vũ Tuấn Anh (tạm trú P.6, TP.Đà Lạt) tung tin đồn lên trang Facebook cá nhân vào ngày 19.3 với nội dung: có nhóm 12 người chuyên bắt cóc trẻ em đã đến TP.Đà Lạt, mọi người cẩn thận...
Trong khi đó, tại TP.HCM, công an cũng “bóc mẽ” nhiều vụ tung tin đồn bắt cóc. Điển hình là ngày 3.3, bé T.N.N.Y (5 tuổi, ngụ Q.8) xin nhà đi chơi nhưng bị lạc. Khi đi tìm, người thân bé Y. thấy em ở gần khu vực cầu Tạ Quang Bửu (Q.8) và có hai vợ chồng lạ mặt đi phía sau. Nghi ngờ 2 người này “bắt cóc” con em mình nên người thân bé Y. xông vào hành hung. Công an Q.8 đã xác minh, khẳng định đây chỉ là 2 người đi đường, không liên can việc bé Y. đi lạc. Thế nhưng, vụ việc sau đó được tung lên Facebook thành một vụ bắt cóc trẻ em, gây hoang mang dư luận. Công an vào cuộc, tìm ra người tung tin đồn bắt cóc ngụ ở P.5 (Q.8) và người này khai nhận: lúc đi ngang qua chứng kiến cảnh đánh nhau, thêm vào đó nghe người dân kể là bắt cóc nên chụp hình đưa lên Facebook. Do người tung tin đồn dưới 14 tuổi nên công an xử lý bằng hình thức cảnh cáo.
Liên quan đến “bão” tin đồn bắt cóc trẻ em, Công an TP.HCM cũng đã có thông báo chính thức khẳng định từ đầu năm 2016 đến nay chưa xảy ra vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em trên địa bàn. Chỉ có hai trường hợp dụ dỗ đưa nạn nhân đi nơi khác hay giành giật không thành trẻ em do các gia đình ly tán.
Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Theo ông Võ Văn Thêm, Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, các hình thức tin đồn tồn tại trong xã hội đều đã được pháp luật hình sự dự liệu và đưa ra chế tài. Hành vi tung tin đồn bắt cóc là một trong những hành vi được bộ luật Hình sự quy định tại điều 226 về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet. Cụ thể, điều luật ghi rõ người nào đưa lên mạng những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước) và điều 253 (truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy) nhằm xâm phạm đến lợi ích cá nhân, cơ quan, tổ chức, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng thì phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ông Lê Thanh Tùng, Thẩm phán TAND Q.Bình Thạnh (TP.HCM), phân tích thêm: Tùy vào mục đích mà cá nhân, tổ chức sẽ có những chiêu thức tung tin đồn khác nhau. Chẳng hạn, tung tin đồn nhằm ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm, danh dự của người khác; tung tin đồn để “triệt” nhau trong kinh doanh và gần đây, phổ biến nhất là tung tin đồn bắt cóc trẻ em để “câu like” hoặc vì mục đích xấu nào đó. Nhưng dù dụng ý gì thì tin đồn cũng gây thiệt hại, hoang mang trong xã hội.
“Khi hành vi chưa đến mức là tội phạm, chỉ là tổn thất tinh thần, sức khỏe, tiền bạc thì xử phạt hành chính hoặc các bên khởi kiện dân sự yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu đã gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như làm chết người, bị trầm cảm dẫn đến tự tử, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình... thì buộc phải xử lý hình sự”, ông Tùng nói.
Bình luận (0)