Một cuộc điện thoại mất nửa tỉ đồng
Theo đơn trình báo của ông N.V.P (44 tuổi, ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, H.Thống Nhất, Đồng Nai) với công an, khoảng 9 giờ ngày 8.10, điện thoại bàn nhà ông đổ chuông, khi nhấc lên thì nghe phía đầu dây bên kia có tiếng còi hụ của xe cảnh sát.
“Sau đó, giọng người đàn ông xưng cán bộ thuộc Bộ Công an đang điều tra, truy bắt nhóm tội phạm về ma túy, mà tôi có liên quan. Nghe xong, tôi phản ứng lại không liên quan cũng như quen biết ai mua bán ma túy. Thấy vậy, người đàn ông này nói, đồng bọn buôn ma túy đã khai ra tôi và chuyển cho tôi một số tiền rất lớn nhằm mục đích rửa tiền. Người này cũng đề nghị tôi phải cung cấp thông tin toàn bộ các thành viên trong gia đình để tiếp tục điều tra, đồng thời đề nghị chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản của họ. Nếu sau này không liên quan đến vụ án, thì hoàn trả lại. Nếu không chấp hành sẽ bị công an bắt giam ngay”, ông P. cho hay.
Lo sợ liên quan đến pháp luật, sẵn có ít tiền đền bù đất đai gửi trong ngân hàng nên ông P. đến rút và mượn thêm của người thân đủ 500 triệu chuyển vào tài khoản cho “cán bộ công an”. Đến chiều, ông P. kể lại câu chuyện thì nhiều người cho biết đó là hành vi của bọn lừa đảo chuyên gạt người nhẹ dạ để lấy tiền. Lúc này, ông P. ra ngân hàng nhờ phong tỏa tài khoản nhưng đã bị rút sạch tiền.
tin liên quan
Điều tra vụ giả danh công an lừa 500 triệu đồngKẻ lạ gọi vào điện thoại bàn, tự xưng là cán bộ của Bộ Công an, hù dọa khiến nạn nhân sợ hãi chuyển 500 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng được 'ấn định'.
Có lẽ may mắn hơn ông P. phải kể đến trường hợp của bà T.T.D (40 tuổi, ngụ ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung, H.Thống Nhất). Bà D. kể lại: “Vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 6.10, tôi nghe điện thoại bàn đổ chuông và khi nhấc lên thì đầu dây bên kia có một người đàn ông tự xưng cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai đang truy bắt điều tra một số đối tượng liên quan một vụ án ma túy rất lớn. Qua điều tra bọn chúng khai tôi có liên quan và tài khoản của tôi được chuyển vào một số tiền rất lớn nhằm mục đích rửa tiền. Nếu muốn không bị bắt phải chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của chúng cho sẵn”.
Sau khi nghe xong cuộc điện thoại, bà D. lo lắng và sợ bị bắt, liền lên ngân hàng rút 200 triệu đồng, tiền dành dụm từ lâu này để chuyển vào tài khoản cho bọn lừa đảo. Sau đó, bà D. về nhà và kể lại cho một số người nghe và những người nào cho biết đó là thủ đoạn của bọn lừa đảo. Nghe xong, bà D. liền chạy lên ngân hàng nhờ phong tỏa số tài khoản. Do các đối tượng lừa đảo chưa kịp rút, nên bà D. may mắn lấy lại được toàn bộ số tiền trên.
“Không hiểu sao bữa đó tôi lại ngây ngô đến thế. Khi nghe nói bị bắt giam nên tôi lo lắng và không hỏi han gì ai, lấy xe chạy lên ngân hàng rút tiền và chuyển ngay vào tài khoản cho bọn chúng không một chút nghi ngờ”, bà D. cho biết.
tin liên quan
Truy xét băng nhóm lừa đảo qua điện thoạiChị H. bị dọa có liên quan đến ông “trùm” ma túy Nguyễn Văn Dũng và được yêu cầu chị chuyển 410 triệu đồng vào một tài khoản để họ kiểm tra nguồn gốc.
Người dân cần nêu cao cảnh giác.
Ngay sau khi xảy ra hai trường hợp nêu trên, Công an H.Thống Nhất đã triển khai lực lượng đến lấy lời khai của bị hại để tiến hành điều tra. Công an huyện cũng đã cử cán bộ đến ngân hàng, bưu điện xác minh số điện thoại gọi đến và tài khoản bọn lừa đảo. Trung tá Đoàn Khả Hưng, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an H.Thống Nhất cho biết: “Qua xác minh ban đầu, số điện thoại gọi đến đều có xuất phát từ nước ngoài. Còn số tài khoản, qua xác minh thông tin cá nhân chủ tài khoản thì ở Ninh Bình và Bắc Giang. Khi chúng tôi liên lạc thì được chủ tài khoản cho biết, thẻ ATM của họ đã bị mất 3 -4 tháng trước đó. Điều này khiến công tác điều tra phá án gặp rất nhiều khó khăn”.
Trung tá Hưng khuyến cáo: “Thủ đoạn trên không mới vì đã xảy ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và báo chí liên tục phản ánh để người dân cảnh giác nhưng không hiểu sao chiêu thức lừa đảo kiểu này vẫn hoạt động được. Để tránh mắc bẫy của bọn lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền cho bọn chúng khi chưa có kết luận cụ thể. Mỗi khi cơ quan công an, muốn bắt ai, thì họ phải có lệnh bắt và không bao giờ có việc hù dọa để bắt nạn nhân chuyển tiền. Khi phát hiện lừa đảo thì báo ngay cho cơ quan chức năng biết để kịp thời xử lý”
Bình luận (0)