Cho chuyển mục đích sử dụng với đất quy hoạch dân cư xây dựng mới

Đình Sơn
Đình Sơn
04/01/2022 21:11 GMT+7

Mới đây, UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) có văn bản gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai việc chuyển mục đích sử dụng đất ở trong khu quy hoạch có chức năng dân cư xây mới.

13.500 hộ dân được khôi phục quyền lợi

Theo đó, Huyện ủy Bình Chánh đã có thông báo ý kiến kết luận của Ban thường vụ Huyện ủy về các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện, nhất là chủ trương thí điểm cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở trong khu vực quy hoạch có chức năng dân cư xây dựng mới.

Cụ thể, Huyện ủy Bình Chánh giao UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở trong quy hoạch này trên cơ sở rà soát, thẩm định theo nhu cầu thực tế, phù hợp với quy hoạch, có đăng ký sử dụng đất, không có quyết định, thông báo thu hồi đất.

Việc cho chuyển mục đích sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện: Nằm xen cài trong khu dân cư hiện hữu; tiếp giáp với khu dân cư hiện hữu, vừa có quy hoạch dân cư hiện hữu vừa có quy hoạch đất dân cư xây dựng mới. Sau khi chuyển mục đích sử dụng đất thì được xem xét cấp giấy phép xây dựng theo quy định. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, thanh tra huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra thực tế, đảm bảo không bị lợi dụng, biến tướng dẫn đến sai phạm. Với quyết định này gần 15.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới trên địa bàn huyện Bình Chánh sẽ được tháo gỡ vướng mắc bấy lâu nay.

Khu đất này tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh nằm trong quy hoạch là đất dân cư xây dựng mới nên bị bỏ hoang gây lãng phí lâu nay

ĐÌNH SƠN

Theo ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, các khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới với quỹ đất lớn lâu nay vẫn chưa có nhà đầu tư, chưa có quyết định hoặc thông báo thu hồi đất nhưng người dân vẫn không được giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến chuyển mục đích, tách thửa, cấp giấy phép xây dựng. Điều này đã gây bức xúc kéo dài, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như hiệu quả sử dụng đất. Do vậy cần giải quyết cho dân được chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, khi nào có nhà đầu tư thì triển khai thực hiện dự án theo quy định.

Với quyết định này, gần 13.500 hộ dân đang sống trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới được khôi phục quyền lợi.

UBND TP.HCM chỉ đạo gỡ vướng

Không chỉ ở Bình Chánh, người dân ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều bức xúc với quy hoạch các loại đất mới phiền phức này.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, hiện nay TP.HCM có gần 14.000 ha đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, tập trung chủ yếu tại TP.Thủ Đức, quận 7, 12, Bình Tân và 3 huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn. Những người dân có đất bị dính loại quy hoạch này gần như mất hết quyền lợi trong khi các quy định của pháp luật không hề tồn tại khái niệm đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới. Những quy định này do TP.HCM tự “đẻ" ra.

Trước những bất cập trên, để sửa lỗi, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM cấp phép xây dựng chính thức cho người dân có đất thuộc quy hoạch dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp. Theo đó, người dân sẽ được xây nhà ở riêng lẻ không quá 6 tầng, nếu nhà trong hẻm có lộ giới dưới 6 m được xây dựng không quá 4 tầng. Các chức năng quy hoạch còn lại như đất cây xanh, giao thông, công trình chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết quyền và lợi ích chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng tại các khu vực quy hoạch có chức năng sử dụng đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.

Ông Lê Hoà Bình đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất thực tế, nhu cầu kêu gọi đầu tư của tất cả các khu vực quy hoạch có chức năng sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và 1/5.000 trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh cục bộ hoặc điều chỉnh tổng thể quy hoạch một cách hợp lý, phù hợp với định hướng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương rồi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Bình cũng yêu cầu phải hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch chậm nhất cuối năm 2021. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải hoàn tất công tác lập Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM trình UBND TP.HCM xem xét phê duyệt chậm nhất cuối năm 2021 để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.