Chất keo yêu thương
|
Gia đình chị An (Biên Hòa, Đồng Nai) lục đục hơn hai năm, nay chị đang chuẩn bị thủ tục để ly hôn. Dù cho rằng chồng có người khác nhưng lúc nào chị cũng trấn an con: “Ba phải đi làm ăn xa, lúc nào rảnh ba sẽ về thăm má con mình”. Nhưng khi biết không thể che giấu con mãi chuyện này, chị An bèn nói thẳng với thằng bé: “Ba má sẽ không còn sống chung với nhau nhưng ai cũng yêu thương con”.
Dù mới hơn 10 tuổi nhưng con chị An quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân vì sao ba mẹ rất yêu thương mình nhưng lại bỏ nhau. Thằng bé còn nhờ ông bà và người thân đôi bên giúp đỡ. Khi mọi thứ được làm sáng tỏ, chị An nhận ra không phải chồng mình phản bội, chị rất hối hận vì tính nông nổi và đa nghi của mình. Giờ đây, hạnh phúc lại về với họ, người mẹ mới thấy rằng nhờ con mà gia đình mới được đoàn tụ trong không khí đầm ấm, yêu thương.
Hoặc như gia đình anh Hòa (ở Dĩ An, Bình Dương), là trụ cột trong gia đình, mọi chi tiêu đều do một tay anh trang trải, quán xuyến. Vì thế, anh Hòa cũng tự cho mình cái quyền quyết định mọi việc, vợ anh dù chỉ góp ý nhẹ nhàng cũng có thể bị anh “tung chưởng”. Việc anh Hòa thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với vợ diễn ra như cơm bữa, lại trước mặt các con.
Chứng kiến những cảnh đó, Nhung Hà (11 tuổi), con gái anh Hòa, rất bức xúc. Có lần bé hỏi mẹ: “Trong nhà này mẹ là người ở, người giúp việc, còn ba là ông chủ hả mẹ? Ba có thương mẹ không? Sao ba đánh mẹ mà mẹ không phản ứng gì vậy?”... Không ngờ con gái còn nhỏ mà nói những điều như thế nên người mẹ đành bào chữa: “Con không biết đó thôi chứ ba rất yêu thương mẹ, ba phải làm việc vất vả nuôi cả gia đình nên nhiều khi ba hơi nóng nảy một chút, tất cả lỗi là do mẹ”.
Tuy nhiên, khi thấy con còn ấm ức trước lời giải thích chưa thỏa đáng của mình, vợ anh Hòa đã tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Qua đó, chị đã biết được rằng: “Đừng bao giờ bảo vệ hình ảnh (chưa tốt) của chồng trong mắt con trẻ bằng cách nhận hết phần lỗi về mình. Điều đó sẽ khiến trẻ lớn lên với suy nghĩ đàn ông có quyền gia trưởng, độc đoán, được quát nạt, đánh đập phụ nữ, còn chị em phải chịu nhịn nhục, phục tùng”.
Còn Nhung Hà quyết tâm đấu tranh “giải phóng” mẹ. Bé lập một kế hoạch cụ thể, vạch ra những công việc khó khăn mẹ phải làm vất vả hằng ngày, cùng các anh chị em mời ba mẹ họp lại thảo luận. Sau đó, bé đề nghị ba phải thay đổi cách cư xử đối với mẹ. Bé còn nhắc khéo ba: “Ba mà còn vũ phu với mẹ lần nữa, lớn lên con sẽ không lấy chồng đâu cho ba mang tiếng suốt đời”. Những cách phản ứng vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn của các con, trong đó có bé Nhung Hà, đã góp phần cải thiện tính gia trưởng của anh Hòa.
|
Con trẻ không hẳn là con nít
Trẻ con hầu hết mong muốn được chia sẻ hoàn cảnh gia đình cùng cha mẹ. Nếu để con đứng ngoài cuộc, chúng sẽ thấy sốc và thất vọng vì cảm thấy mất niềm tin. Ở góc độ tâm lý của trẻ, khi bị cha mẹ giấu giếm hoặc bao biện những chuyện quan trọng của gia đình, trẻ cho rằng mình không được quan tâm, tin tưởng. Hệ lụy là trẻ sẽ sống vô tâm, vô trách nhiệm trước những suy nghĩ và việc làm của cha mẹ. Con cái cũng là thành viên của gia đình, cần được cha mẹ tôn trọng khi đưa ra ý kiến và có quyền được biết những sự cố của gia đình. Việc san sẻ với con về hoàn cảnh của mình cũng là cách giúp trẻ trưởng thành và chín chắn hơn.
Khi đã yêu thương, tôn trọng và tin tưởng con, đừng nên giấu con điều gì, kể cả đó là điều tồi tệ nhất. Khi đó, cha mẹ sẽ giáo dục được con sống có trách nhiệm với gia đình và tình cảm giữa các thành viên chắc chắn càng gắn bó thắm thiết hơn.
Theo LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN \ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)