Cho con học tại nhà, có nên không?

08/10/2015 08:52 GMT+7

Nhiều phụ huynh có nhu cầu để con học tại nhà (không đến trường) theo một phương pháp giáo dục như mình mong muốn. Vấn đề đặt ra là điều này có được phép? Những đứa trẻ này có được tham gia các kỳ thi lấy bằng cấp như học sinh bình thường không?

Nhiều phụ huynh có nhu cầu để con học tại nhà (không đến trường) theo một phương pháp giáo dục như mình mong muốn. Vấn đề đặt ra là điều này có được phép? Những đứa trẻ này có được tham gia các kỳ thi lấy bằng cấp như học sinh bình thường không?

 
Vợ chồng chị Keziah Hương cùng các con Vợ chồng chị Keziah Hương cùng các con - Ảnh: nhân vật cung cấp
Học tại nhà (homeschooling) là chuyện bình thường ở nhiều nước và hiện đang trở thành nhu cầu của không ít phụ huynh tại VN.
Không còn muốn đi học thì cho nghỉ
Vũ Tuấn Kiệt từng đi học ở 2 trường quốc tế nhưng đến năm 7 tuổi, bố mẹ Kiệt quyết định cho con nghỉ học, ở nhà vẽ tranh, học tiếng Anh, tiếng Trung, học những kiến thức mà họ cho là cần thiết.


Thủ tục chưa cho phép
Hiện tại, về thủ tục hệ thống các trường học của VN không thể nhận các HS học tại nhà vào học. Theo ông Ngô Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM), ở hệ thống trường công lập không có quy định nào để nhận những HS này. Ở hệ thống trường tư thục, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết ở VN dù bậc học nào cũng không cho phép nhận các HS này. Ở hệ thống trường quốc tế, hiếm có HS xin vào học sau khi học tại nhà. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada, cho biết cũng có 1 - 2 trường hợp con người nước ngoài học tại nhà một thời gian xin vào học nhưng các HS này rất khó hòa nhập.

Kiến trúc sư Phó Đức Tùng, bố nuôi của Kiệt, nói về quyết định cho Kiệt nghỉ học: “Em thích đi học thì đi, ở nhà thì ở. Thời điểm này, Kiệt không còn muốn đi học, cứ đi học là căng thẳng. Kiến thức đi học thời điểm này cũng không đáng là bao. Khi đã không thích đi học thì càng đi học càng khổ, càng như bị bệnh. Nghỉ học để khỏi bệnh, giúp Kiệt cảm thấy hạnh phúc thì nên cho nghỉ”.
Cũng theo ông Tùng, Kiệt ở với bố nuôi từ 7 - 11 tuổi và hoàn toàn học tại nhà. Đến năm 12 tuổi, Kiệt quay về ở với bố mẹ ruột và tiếp tục đi học tại một trường quốc tế. Kiệt không gặp khó khăn khi quay trở lại trường.
Chị H. (ở Hà Nội) cũng quyết định cho con học tại nhà. Lý do là đến năm lớp 1, suốt tháng đầu tiên con chị bị căng thẳng. Đêm mơ ngủ, con cứ bật dậy ôm quần áo đòi về. Hết học kỳ 1 năm lớp 1, khi con không muốn đi học tiếp, vợ chồng chị quyết định cho con học tại nhà. Hai vợ chồng chia các môn học ra để phụ trách dạy con. Ngoài ra, chị H. dẫn con đi bán hàng tại bệnh viện để giúp con học toán, dẫn con đến bảo tàng để dạy về lịch sử… Chị cho biết không sợ con sau này đi học khó hòa nhập vì thành công không phụ thuộc vào việc đến lớp. Quan trọng là con chị có những đức tính tốt và khả năng làm việc tự giác, độc lập, sau đó làm việc gì cũng sẽ thành công. Chị H. cũng tự tin rằng mình dạy con ở nhà tốt hơn ở trường!
Vợ chồng chị Keziah Hương (ở Hà Nội) cho biết rất hài lòng khi đang áp dụng cho con học một phần tại nhà.
Khi vợ chồng chị Bùi Uyên (ở TP.HCM) áp dụng giáo dục tại nhà cho con, chồng chị quyết định bỏ công việc toàn thời gian ở một công ty nước ngoài, chuyển sang làm việc tự do để dành nhiều thời gian hơn với con. Hai vợ chồng thay phiên nhau cùng chơi mà học với con. Chị Uyên cho rằng con anh chị đang phát triển rất bình thường và có điều kiện để học được nhiều điều hơn trong cuộc sống.
Lợi ích và rủi ro
Tháng 12.2014, trên trang Facebook cá nhân, tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập trường trực tuyến GiapSchool, nêu câu hỏi: “Homeschooling có được chấp nhận ở VN không?”. Nhiều phụ huynh cho biết đang xem xét phương pháp này và sẵn sàng cho con học tại nhà.
Bàn luận trên Facebook, tất cả những ý kiến lo ngại chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề: môi trường học, sự tiếp xúc với bạn bè của con và sự công nhận pháp lý khi con trở lại trường học hoặc học ở bậc cao hơn.
Một phụ huynh có nick Tô-Mô-Ê đang cho con học tại nhà nêu ý kiến: “Quả thật trước đây mình cũng rất lo ngại về việc dạy con ở nhà nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì thấy những rủi ro không nhiều và ở mức chấp nhận được. Còn lợi ích của nó thì cũng rất nhiều. Có nhiều ý kiến lo ngại là trẻ học ở nhà sẽ khó hòa nhập cộng đồng, nhưng nếu mình dành thời gian đưa con tham gia các hoạt động với những đứa trẻ cũng học kiểu này sẽ không đến nỗi. Còn thời gian ban ngày thì mình cố gắng sắp xếp sao cho có thể chơi với con hoặc đưa con đi cùng mình khi gặp gỡ bạn bè, khách hàng, thậm chí là làm việc...”.
Minh họa: DAD
Phụ huynh này cũng cho biết trong hoàn cảnh VN, học ở nhà sẽ có quá nhiều phần mạo hiểm như vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, ví dụ làm sao để con học hoàn toàn ở nhà mà vẫn có thể được dự thi và nhận được chứng chỉ tốt nghiệp. Kế đến là về việc giảng dạy. Cha mẹ không thể dạy cho con hết tất cả toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa… hay khó tạo ra môi trường để học tiếng Anh.
Ông Phó Đức Tùng nhận định: “Học tại nhà sẽ luôn có chất lượng cao hơn. Bỏ công nhiều hơn, lại dạy một thầy một trò, dĩ nhiên là tốt hơn trẻ học trên lớp với nhiều bạn bè. Tuy nhiên chỉ nên dành cho một số trường hợp đặc biệt thôi. Không phải ai cũng có điều kiện dạy dỗ con tốt và trẻ con cũng cần có bạn bè. Phải tùy vào trường hợp cụ thể để cân nhắc nên cho con học ở nhà hay đến trường”. 
Ý kiến
Phải có hệ thống khảo thí tốt
Điều kiện quan trọng nhất để VN có thể cho phép học tại nhà là có hệ thống khảo thí thật tốt và minh bạch. Khi đó HS này có thể vào học bất kỳ bậc học nào sau đó nếu muốn.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự
(Chủ tịch Trường CĐ Nghề Việt - Mỹ)
Nhiều thiệt thòi cho trẻ
Tôi không ủng hộ học tại nhà vì việc này mang đến nhiều thiệt thòi cho trẻ. Học tại gia phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của cha mẹ. Nếu cha mẹ không theo phương pháp tiến bộ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các em.
Nguyễn Thị Kiều Oanh
(Chủ tịch HĐQT Trường quốc tế Canada)
Xu hướng không tránh khỏi
Tôi ủng hộ học tại nhà. Đây là xu hướng không tránh khỏi của thế giới và ở VN. Giáo dục đôi khi đang áp dụng việc quản trị công nghiệp, điều này khiến nhiều phụ huynh muốn dạy cho con ở nhà. Sáng tạo mang dấu ấn cá nhân và tôi cũng không ủng hộ sản xuất đại trà theo một mẫu chung hàng loạt. Vả lại, hiện nay xu hướng làm việc tại nhà tại VN đang tăng rất nhanh. Vậy thì tại sao không thể cho con học tại nhà? Không nhất thiết phải sửa đổi luật giáo dục mà chỉ cần công nhận và cho phép phụ huynh đăng ký cho con hình thức học này.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.