“Lớn tuổi rồi, có mấy phòng trọ cho thuê kiếm mỗi tháng 5 - 6 triệu bạc hưởng nhàn tuổi già, mắc mớ chi lo việc bao đồng ?”, một số người khuyên như vậy nhưng cô Nguyễn Thị Dư lại không nghĩ như thế...
Cô Dư dạy phổ cập cho các em tại nhà - Ảnh: Đức Nguyễn
|
Từ nhiều năm nay, ngôi nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Dư tại tổ 22, KP.8, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai đã trở nên quen thuộc với các em học sinh nghèo xóm trọ.
Xin từng cuốn sách cũ
|
Lớp học ngày càng đông, nhà văn hóa khu phố lại hội họp thường xuyên, để đảm bảo việc học cho các em được liên tục, cô Dư quyết định đưa lớp học về nhà mình.
Cô Dư còn dành tiền túi để mua tập vở, giấy bút, nước uống cho các em. Những bộ bàn ghế địa phương hỗ trợ ban đầu sử dụng được 2 năm thì gãy mục, cô Dư nhờ người quen ở xưởng mộc đóng mới. Sách giáo khoa thì cô đi xin từng cuốn sách cũ cho các em. Hằng tháng tiền điện, tiền nước và các chi phí khác đều do cô tự trả. Đến năm 2012, việc dạy học 3 ca/ngày một mình cô cáng đáng không xuể nên có thêm 2 cô giáo cùng tham gia hỗ trợ là cô Trần Uyên Ly và Trần Thu Hương ở P.Tân Hòa.
Năm ngoái, do các cháu quá đông (lúc này đã có hơn 100 học sinh), cô Dư quyết định đập bỏ 6 phòng trọ cho thuê để mở thêm lớp học cho các cháu. Có thêm phòng học, thay vì dạy 3 ca thì nay lớp học được chia thành 2 ca: sáng từ 7 giờ - 9 giờ 30, chiều từ 14 giờ - 16 giờ 30, dạy theo chương trình tiểu học của Bộ GD-ĐT. “Năm học tới, số lượng học sinh còn tăng khoảng vài chục em nữa”, cô Dư cho biết.
Có mặt tại lớp học của cô Dư, chúng tôi gặp anh Đỗ Văn Tý đến đăng ký cho con học lớp 2. Anh Tý cho biết vợ chồng anh từ Cà Mau lên Biên Hòa làm phụ hồ nên không có điều kiện cho con đi học. Được cô Dư vận động và tiếp nhận miễn phí nên anh cho con tới học tại đây. “Cô Dư rất tốt, vừa dạy cháu miễn phí vừa tặng sách vở nên gia đình tôi biết ơn cô rất nhiều”, anh Tý chia sẻ.
Ông Bùi Đức Nam, Chủ tịch UBND P.Long Bình (TP.Biên Hòa), cho biết mỗi tháng phường cũng chỉ hỗ trợ cho cô Dư được 200.000 đồng. Còn Trung tâm học tập cộng đồng thì hỗ trợ cho mỗi học sinh 50.000 đồng/năm học. Cũng theo ông Nam, P.Long Bình có tới 140.000 dân, trong đó có hơn 40.000 công nhân. Toàn phường chỉ có 3 trường tiểu học công lập, 1 trường THCS (hiện đang khởi công xây dựng thêm một trường nữa), không đáp ứng đủ cho khoảng 1.500 trẻ vào lớp 1 mỗi năm.
Làm việc thiện để lòng thanh thản
Tên là Nguyễn Thị Dư nhưng gia cảnh cô Dư cũng chẳng lấy gì làm dư giả. Trước đây, khi còn làm giáo viên tiểu học ở Hưng Yên, chồng mất sớm, một mình cô Dư phải lăn lộn nuôi 5 người ăn học. Năm 1992, do quá khó khăn nên cô Dư xin nghỉ dạy rồi vào miền Nam sinh sống, một phần cũng là để các con dễ kiếm được việc làm.
Năm 2000, cô Dư được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố 22, KP.8 cho đến nay. 15 năm liên tục làm tổ trưởng dân phố, cô hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình. Chứng kiến các cháu nhỏ phải thất học nên cô đã quyết tâm mở lớp học tình thương miễn phí giúp các cháu có tương lai sáng sủa hơn.
Cô Dư tâm sự, khi mới mở lớp học của cô gặp nhiều chuyện không thuận lợi. Có người còn nói lớp học không đủ tiêu chuẩn, thiếu ánh sáng nên đề nghị dẹp. “Nếu vì kinh tế thì tôi mở lớp dạy thêm thu tiền. 8 phòng trọ của tôi mỗi tháng cũng thu được từ 4 - 5 triệu đồng. Nhưng tôi không nghĩ thế, cuộc đời đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang theo được của cải gì. Tôi muốn để lại hình tượng về một người mẹ, người bà cho con cháu, cho những đứa trẻ bất hạnh. Có người nói tôi già rồi, bận tâm chi chuyện bao đồng, nhưng tôi không nghĩ thế...”, cô Dư chia sẻ.
Bình luận (0)