Song đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) không đồng tình.
Điều đáng nói, người phản đối mạnh nhất với đề xuất này chính là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH ngày 10.8 vừa qua, ông Lâm khẳng định, việc dùng sổ hộ khẩu giấy đến năm 2025 là “không phù hợp và không thực tế”. Ông Lâm cũng cho rằng, các bộ, ngành liên quan đang tích cực triển khai để bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang phương thức quản lý dân cư bằng điện tử từ 1.7.2021 khi luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực và “không có căn cứ gì” để kéo dài việc sử dụng sổ hộ khẩu giấy thêm 1 nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Việc bỏ sổ hộ khẩu, đúng như ông Lâm nói, là mong muốn của hàng triệu công dân Việt Nam từ rất lâu. Cuốn sổ hộ khẩu tồn tại hơn 70 năm qua cùng với những thủ tục kèm theo liên quan tới quyền tự do đi lại, cư trú, học hành, khám chữa bệnh... đã khiến không ít người dân phải “lao đao” với những quy định tưởng chừng không thể tréo ngoe hơn.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng than thở rằng, chính bà cũng mất sổ hộ khẩu 1 - 2 lần và đi làm lại thì rất vất vả, phải “khai tới, khai lui” dù khi đó bà đã phải “nhờ anh em giúp”. “Những thủ tục đó chúng ta đặt ra, nó lạc hậu rồi thì chúng ta bỏ đi cho dân được nhờ”, bà Ngân đã nói như vậy và ủng hộ sự quyết liệt của Chính phủ mà cụ thể là Bộ trưởng Bộ Công an trong việc sớm bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Thế nhưng, đề xuất của Ủy ban Pháp luật cũng không phải không có lý do hợp lý. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa hoàn thành và đang gặp khó khăn. Kinh phí cho việc xây dựng cũng chưa được đưa vào dự toán trình QH. Vẫn còn tới gần 30 thủ tục hành chính cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú, trong khi việc kết nối cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành vẫn cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành. Nguy cơ xáo trộn, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự hoàn toàn có thể xảy ra nếu như chúng ta bỏ ngay sổ hộ khẩu mà chưa đảm bảo các điều kiện để quản lý bằng phương thức mới.
Quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an trong việc kiên quyết bỏ sổ hộ khẩu giấy từ 1.7.2021 khi luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực chắc chắn được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, việc bỏ sổ hộ khẩu phải được hiện thực hóa bằng những bước đi cụ thể không chỉ của Bộ Công an mà tất cả các thành viên Chính phủ, chứ không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị chung chung. Bởi lẽ, chỉ khi sổ hộ khẩu giấy cùng các thủ tục hành chính kèm theo được bãi bỏ trên thực tế chứ không phải là các đề xuất trên giấy tờ thì người dân mới thực sự “được nhờ”.
Bình luận (0)