Một học viên lớp ban đêm nói với tôi sau khi nghe phần bài giảng và một số ví dụ về bối cảnh rối loạn thông tin do tác động của internet: “Em bất ngờ quá, chưa từng nghĩ những bản tin thầy lấy ví dụ lúc nãy lại là tin giả”.
Tôi nói thêm, rằng tin giả đang bủa vây quanh chúng ta ngày càng nhiều. Và điều đáng lo ngại không hẳn là vì tin giả ngày càng “lây lan” và “biến đổi gien” chẳng khác gì vi rút, mà là vì nhiều người đã không hề để tâm đến chuyện học cách nhận biết và phòng tránh tác hại của tin giả gây ra cho cuộc sống của mình và người thân. Như là học và thực hành cách chống nhiễm vi rút vậy.
Vì nhiều người vẫn nghĩ đơn giản tin giả chỉ là chuyện bông đùa vô hại. Có thật là vô hại không, khi mà một tin giả về người đứng đầu một doanh nghiệp lớn khiến giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó rớt thê thảm và nạn nhân phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để xử lý khủng hoảng? Nếu non tay, doanh nghiệp thậm chí có thể “sập tiệm”, và kéo theo hệ lụy nhiều người mất việc.
Trong thời điểm chống dịch Covid-19 căng thẳng như chống giặc, một tin giả nhạy cảm về người này người kia nhiễm Covid, người nọ chết vì Covid nhưng bị che giấu, Chính phủ phong tỏa thành phố, hay phát ngôn không hề có thật của nguyên thủ quốc gia về chống dịch... thì có phải là những chuyện để bông đùa, để chế tin giả câu like, câu view trên mạng hay không? Những thứ tin giả như thế là hại người, là phá hoại xã hội trong bối cảnh người dân đã đủ khổ vì giãn cách xã hội chống dịch.
Đáng nói, nhiều người mắc bẫy tin giả như thể là theo “chu kỳ thời tiết”. Cứ đến hẹn lại lên, đến khoảng thời ấy trong năm, loại tin giả tương ứng sẽ xuất hiện, thậm chí là với chiêu thức cũ rích, mà vẫn có nhiều người dính bẫy. Cứ đến mùa lũ lụt thì cái ảnh người phụ nữ ngồi trên mái nhà tranh xung quanh ngập chìm nước lũ lại xuất hiện trên mạng, như thể cô ấy đã ngồi tự năm này sang năm khác mà không ai tới cứu. Và nhiều tin giả tương tự.
Đáng buồn hơn, những kẻ chuyên tạo tin giả bây giờ không cần trả cho ai đồng lương, đồng thù lao nào cả mà vẫn dễ dàng có hàng nghìn hàng vạn người tiếp tay lan truyền tin giả. Những kẻ ấy không cần phải đầu tư gì cả vào sự hạn chế kỹ năng tiếp nhận và thẩm định tin tức của nhiều người mà vẫn dễ dàng hưởng lợi từ chính sự hạn chế ấy. Nhất là khi người tiếp tay cho tin giả có khi là những người nổi tiếng, các nghệ sĩ ngôi sao có nhiều công chúng theo dõi trên mạng.
Phải nhắc nhau một lời khuyên không mới: là trước khi cho phép mình tin, like hay share một thông tin nào đó trên mạng, thì cứ nhắc mình chậm lại ba nhịp. Nhịp một là để đối chiếu với thông tin trên báo chí chính thức để kiểm chứng. Nhịp hai là để chờ người có trách nhiệm hoặc có chuyên môn liên quan lên tiếng trước. Và nhịp ba là để tự hỏi chính mình, rằng like hay share thật nhanh một tin tức mà mình không rõ đúng sai lên mạng thì đóng góp điều gì hữu ích. Hay chỉ là, tự góp thêm một nạn nhân của tin giả mà thôi.
Bình luận (0)