Dự án xây trường học ở xã miền núi xa xôi Nga My (H.Tương Dương, Nghệ An) là một ví dụ. Ngôi trường 2 tầng này sắp hoàn thành để thay thế những phòng học tạm bợ, nhưng khó có thể đưa vào hoạt động trong năm học tới vì đang thiếu đất để san lấp, nâng nền sân trường. Việc nâng mặt sân cần khoảng 9.000 m3 đất, nhưng hiện nay cả huyện miền núi Tương Dương không có một mỏ đất nào được cấp phép nên không thể mua để san lấp. Để có nguồn san lấp đúng quy định của pháp luật, chủ đầu tư sẽ phải mua đất ở mỏ đất thuộc huyện miền xuôi cách đó hơn 100 km. Chi phí phát sinh dự tính sẽ tăng lên gần 3 tỉ đồng, trong khi dự án này chỉ có kinh phí 9,9 tỉ đồng.
H.Tương Dương đã quy hoạch một mỏ đất ở TT.Thạch Giám, gần trung tâm huyện, để cung cấp đất san lấp cho các dự án trên địa bàn. Nhưng sau nhiều năm kêu gọi vẫn không có doanh nghiệp nào đăng ký đấu thầu vì sợ lỗ. Đây cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều huyện miền núi khác ở Nghệ An. Không có mỏ đất để san lấp, nhiều dự án phải "đứng bánh" hoặc nếu muốn tiếp tục thì phải mua đất từ miền xuôi với chi phí vận chuyển rất lớn, dự án bị đội vốn.
Không đủ thẩm quyền giải quyết đất san lấp, UBND các huyện phải cầu cứu cơ quan chức năng của tỉnh. Một số huyện đề xuất cho phép được tận dụng nguồn đất từ việc cải tạo vườn đồi để lấy đất san lấp mặt bằng, nhưng không được chấp thuận vì trái với quy định của luật Khoáng sản.
Nghịch lý chở đất lên núi, chở củi về rừng này đã được phản ánh nhiều lần trong các kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An. Tại kỳ họp mới đây, bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch MTTQ VN tỉnh Nghệ An, cho rằng việc thiếu đất san lấp đã xảy ra nhiều năm ở các huyện vùng núi là điểm nghẽn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.
Để tháo gỡ nghịch lý nói trên, chỉ còn cách sửa luật Khoáng sản cho phù hợp với thực tế, vừa gỡ khó cho các công trình, vừa giảm được chi phí đầu tư xây dựng.
Bình luận (0)