Chợ đầu mối La Khê nằm ngay cạnh đường Lê Văn Lương kéo dài, chỉ cách UBND P.La Khê chưa đến 1 km. Theo một số tiểu thương buôn bán tại chợ, khu vực này có diện tích lên đến hàng ngàn m2, kinh doanh một số mặt hàng chính là gà, cá, cùng một số loại thủy, hải sản khác. Các khu kinh doanh được bố trí tách biệt nhau, chứ không xen kẽ, lộn xộn như những chợ khác.
tin liên quan
Chiếm đường họp chợ: Muốn hết nhếch nhác, cứ quy trách nhiệm lãnh đạo phường, xãĐó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Kính chào chủ tịch phường! và phóng sự ảnh Chiếm đường họp chợ đăng trên Thanh Niên ngày 8.5.
Do chợ La Khê là chợ đầu mối, nên mọi kinh doanh buôn bán chủ yếu diễn ra vào ban đêm, từ khoảng 10 giờ đêm hôm trước cho đến sáng sớm hôm sau. Theo khảo sát của PV Thanh Niên trong mấy ngày cuối tháng 8, chợ có cả trăm tiểu thương từ khắp Hà Nội dồn về buôn bán. Phần lớn các đầu mối đổ hàng tại chợ, sau đó phân phối với giá sỉ cho các tiểu thương ở hầu khắp những chợ khác nằm trên địa bàn Hà Nội. Một số tiểu thương có đủ nhân lực và phương tiện còn nhận phân phối sản phẩm đến tận tay đại lý hoặc nhà hàng, khách sạn.
Chị Nguyễn Thị H., một tiểu thương buôn cá tại chợ đầu mối La Khê cho biết đã kinh doanh tại đây được 5 tháng. Hàng thường được chuyển đến chợ từ lúc 9-10 giờ tối, khi nào bán hết thì về. Chị buôn bán cá tại đây được 5 tháng. Chị thường đem hàng đến đây từ lúc 9 - 10 giờ tối, bán hết hàng thường vào lúc 4 - 5 giờ sáng hôm sau.
Ai bảo kê cho chợ đầu mối La Khê?
Ai cũng biết chợ đầu mối La Khê chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng chợ vẫn hoạt động bình thường. Nhiều người đặt vấn đề: Ai là người người bảo kê cho khu chợ trái phép này hoạt động?
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối La Khê cho biết, mỗi tiểu thương buôn bán tại đây phải đóng tiền đảm bảo “an ninh trật tự” 20.000 đồng/ngày, phí thu gom rác thải 10.000 đồng/ngày... Tiểu thương có thể đóng tiền theo tháng hoặc đóng theo ngày.
Một tối cuối tháng 8, khi PV Thanh Niên vào chợ đầu mối La Khê khảo sát thực tế, một thanh niên săm trổ đầy mình ra gằn giọng hỏi: “Vào chợ thì giơ điện thoại ra làm gì?”. Sau đó người này đòi thu điện thoại của PV và đòi bắt xóa tất cả những hình ảnh chụp tại chợ đầu mối La Khê, rồi đuổi PV ra khỏi chợ.
Chị T.T.H., một tiểu thương tại đây nói thẳng: Tại chợ luôn có nhiều thanh niên săm trổ ép tiểu thương phải thực hiện các quy định do họ đề ra. Do phần lớn những quy định này hợp lý nên tiểu thương không phản đối gì. Tuy nhiên, nếu đóng thiếu tiền cho nhóm người này thì lập tức sẽ “có chuyện”.
Qua tìm hiểu, chợ đầu mối gia cầm, thủy hải sản La Khê hoạt động từ những năm 2010 tại khu vực Cổng Đồng, với diện tích 1.000 m2. Chợ được hình thành bởi nhiều hộ kinh doanh ở một số chợ cóc trên địa bàn Q.Thanh Xuân... Trước thực trạng trên, ngày 7.11.2011, UBND P.La Khê có văn bản số 47/UBND giao HTX La Khê có trách nhiệm quản lý và khai thác khu đất ở khu vực Cổng Đồng nói trên. Để làm rõ những thông tin về hoạt động của chợ đầu mối không phép La Khê, cả chuyện người lạ mặt bị giám sát, không được quay phim, chụp ảnh ki ốt trong chợ…, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với HTX La Khê, song đều bất thành.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Hiển, Chủ tịch UBND P.La Khê, cho biết, việc đưa khu đất trở thành chợ tạm La Khê nhằm thực hiện Đề án 02/ĐA-QU của Quận ủy Hà Đông về phát triển thương mại dịch vụ và quản lý sử dụng đất công chặt chẽ, chống lấn chiếm. Do chợ tạm La Khê không được cấp phép nên chính quyền đã tính tới phương án giải tỏa, tuy nhiên việc giải toả cần có lộ trình thích hợp, bởi nếu dẹp bỏ ngay, các tiểu thương kinh doanh trong chợ tạm sẽ tỏa đi nơi khác và tiếp tục hình thành chợ “cóc”.
Để giải quyết vướng mắc này, P.La Khê đã xây dựng đề án “Mô hình chợ đầu mối” trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, cho tới nay, đề án trên vẫn chưa được phê duyệt.
Bình luận (0)