CHỢ PHƠI MƯA PHƠI NẮNG
Năm 2015, UBND H.Gia Viễn đầu tư xây dựng chợ đầu mối Gia Tiến, với tổng kinh phí gần 15 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhằm phục vụ việc mua bán nông sản của người dân các xã Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Phương, Gia Tân và một số vùng phụ cận (đều thuộc H.Gia Viễn).
Thời điểm trước khi xây dựng chợ, người dân ở khu vực xung quanh chợ trồng nhiều rau, củ quả. Hằng ngày, các thương lái nhộn nhịp lui tới thu mua nông sản đem đi phân phối nơi khác. Do đó, nhu cầu về một điểm tập trung mua bán ổn định là rất cao, và hơn nữa còn để đảm bảo tiêu chí có chợ để xã Gia Tiến hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (sau khi xây dựng và hoàn thành chợ năm 2016, xã Gia Tiến đã được công nhận về đích nông thôn mới).
Đến năm 2016, chợ Gia Tiến hoàn thành với diện tích hơn 3.200 m2, gồm nhà điều hành 2 tầng, khu ki ốt trong nhà, khu ki ốt ngoài trời có mái che kiên cố, hệ thống chữa cháy và các công trình phụ trợ khác... Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa một lần chợ Gia Tiến tổ chức họp. 7 năm để hoang khiến nhiều hạng mục của chợ có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, hiện các cửa vào chợ đều khóa trái, các ki ốt ngoài trời có hiện tượng xuống cấp, hoen gỉ; trần của ki ốt xuất hiện nhiều vết nứt, ngấm nước; nền nhà nhiều chỗ vỡ nứt; trong khuôn viên chợ cỏ mọc um tùm... "Để nhiều năm không sử dụng nên hiện nay nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng rồi. Cả cái chợ lớn xây dựng nhiều tỉ đồng như thế mà không sớm có biện pháp đưa vào sử dụng thì tiền của nhà nước bỏ ra xem như chẳng có tác dụng gì. Trong khi ở xã này chưa có chợ dân sinh cho người dân họp, mà xưa nay vẫn phải họp ở chợ tự phát ngoài đê sông Hoàng Long. Thôi thì không thể làm chợ đầu mối thì làm chợ dân sinh của riêng xã Gia Tiến cũng đỡ lãng phí, chứ như thế này thấy xót lắm", một người dân xã Gia Tiến bức xúc nói.
BAO GIỜ MỚI CHUYỂN CÔNG NĂNG CỦA CHỢ ?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm năm 2015, việc đầu tư chợ đầu mối Gia Tiến xuất phát từ nhu cầu người dân các xã Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Phương, Gia Tân và một số vùng phụ cận trồng nhiều bầu, bí, rau củ quả trong khi hoạt động mua bán không có nơi tập trung.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Hữu Thanh, Chủ tịch UBND xã Gia Tiến, cho biết nguyên nhân chợ để không là do người dân chuyển từ trồng nông sản sang đi làm công nhân. "Thời điểm xây dựng thì khu vực này có nhu cầu lớn về chợ để buôn bán nông sản. Nhưng sau đó người dân, đặc biệt là lớp trẻ, không còn trồng rau củ quả nhiều, mà đi làm công nhân nên chợ không hoạt động được. Năm ngoái UBND xã đã có văn bản gửi UBND H.Gia Viễn để xin kinh phí khoảng 200 triệu đồng sửa sang lại một số hạng mục của chợ, chuyển công năng từ chợ đầu mối thành chợ dân sinh của xã, tránh lãng phí, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị, và cố gắng trong năm nay sẽ sửa sang lại để đưa chợ vào hoạt động", ông Thanh cho hay.
Ông Đỗ Hữu Thanh cũng cho biết thêm do nguồn thu của xã hạn hẹp, khó khăn nên không thể cân đối tiền để chỉnh trang chợ, nên phải đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí. Vì vướng khoản kinh phí để sửa sang khiến chợ chưa biết khi nào mới phát huy tác dụng.
Bình luận (0)