Cho đi là còn mãi

Liên Châu
Liên Châu
11/01/2024 04:15 GMT+7

Tám người đầu tiên trong năm 2024 bắt đầu đón nhận cuộc sống mới sau ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Họ là những người may mắn được hồi sinh từ nghĩa cử cao đẹp, từ tấm lòng cao cả của những người hiến tạng và nỗ lực "chạy đua" của các bác sĩ khi thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người cho chết não trong vòng 24 giờ để ghép cho 8 bệnh nhân nói trên.

Và trong số 8 ca ghép tạng thành công đầu tiên của năm 2024, đặc biệt là có một bé gái 7 tuổi bị suy tim nặng do bệnh lý giãn cơ tim. Bé gái đã tìm được sự sống khi nhận tim ghép từ nam thanh niên chết não. Ba năm trước, anh trai của bệnh nhân này cũng đã được ghép tim và hiện sức khỏe ổn định. Đó là sự kỳ diệu của cuộc sống, và là thành quả tuyệt vời của y học, của các bác sĩ tận tâm, tận lực mang lại cho các bệnh nhân tưởng chừng như đã vô phương cứu chữa.

Theo thống kê, từ năm 2010, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện được 59 ca ghép tim, 88 ca ghép gan, 185 ca ghép thận và nhiều ca ghép mô khác. Còn trên bình diện cả nước từ trước đến nay đã có hơn 8.200 ca ghép tạng, trong đó bao gồm nhiều ca ghép phức tạp như gan, tim. Với người mù, nguồn giác mạc từ người hiến sau khi qua đời là món quà ánh sáng, giúp thay đổi cuộc đời. 14 năm trước, từ người hiến giác mạc đầu tiên là cụ bà ở Ninh Bình, đến nay hơn 45.000 người đã đăng ký hiến giác mạc. Nhiều người mù đã được thấy lại ánh sáng cuộc đời.

Có thể nói, ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng. Tuy nhiên, dù chúng ta đã làm chủ được những kỹ thuật ghép mô tạng phức tạp, đặc biệt là kỹ thuật ghép nửa gan, song khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn hiến tạng còn rất ít so với nhu cầu. Cả nước có 25 trung tâm ghép tạng, riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mỗi năm thực hiện 200 - 300 ca, và có thể hơn nữa… nhưng rất nhiều người không qua khỏi vì thiếu tạng.

Cho đi là còn mãi, nhân lên nghĩa cử cao đẹp từ hiến tạng tuy không còn là điều xa lạ, nhưng với phần đông mọi người, việc cho đi một phần thân xác của mình vẫn phần nào tạo ra sự mơ hồ và khó khăn trong suy nghĩ. Đặc biệt là với các bạn trẻ khỏe mạnh, yêu đời. Việc trao tặng cơ thể cho người khác khi đột ngột ra đi quả thực không dễ dàng gì.

Dù vậy, vẫn có những người đã "chuẩn bị" cho mình một chuyến hành trình đặc biệt - hành trình để sự sống lại được nảy sinh từ mất mát. Hành trình đó sẽ càng ý nghĩa hơn, được lan tỏa hơn khi được cộng đồng, gia đình đồng cảm và dành tặng cơ hội cho những người bệnh nặng chờ được ghép tạng từ người hiến chết não.

Cho đi là còn mãi, một người chết đi khi hiến tạng có thể cứu được nhiều người. Do đó, nếu chúng ta mở lòng, vượt qua định kiến, nếu cơ quan chức năng tuyên truyền bền bỉ, nếu có nhiều bác sĩ giỏi, trung tâm hiện đại... thì mỗi năm sẽ có rất nhiều người được cứu sống giữa lằn ranh sinh tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.