Tín dụng và tăng trưởng

09/01/2024 04:13 GMT+7

Thông vốn, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan có thẩm quyền chủ trương thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2024.

Đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tín dụng 15% cho các nhà băng ngay khi năm 2024 bắt đầu. Còn nhớ năm 2022, đến hết quý 3, chỉ tiêu tín dụng 6 tháng cuối năm vẫn chưa được phân giao khiến cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) như ngồi trên đống lửa. Thời điểm đó, hết room là câu trả lời mà rất nhiều khách vay nhận được khi cầm hồ sơ tới cửa NH. Dư chấn của việc này kéo sang đầu năm 2023, nhưng lý do không tiếp cận được vốn là do các nhà băng siết chặt điều kiện vay, một mặt lãi suất quá cao trong khi kinh tế khó khăn nên nhiều DN cũng không dám vay. Và kết quả năm 2023 cả tín dụng và tăng trưởng kinh tế đều không đạt kế hoạch đề ra.

Có lẽ cũng vì thế, năm nay NH Nhà nước không những giao hết chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các NH thương mại chủ động mà Phó thống đốc Đào Minh Tú còn nhấn mạnh: Nếu như giữa năm, cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, có thể sẽ giao thêm room cho các NH thương mại để tăng trưởng tín dụng.

Quan điểm, chủ trương đã rõ ràng; dư nợ tín dụng cũng tăng thêm 2 triệu tỉ đồng, nhưng để nguồn vốn này đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn cần thêm nhiều điều kiện khác nữa. Thứ nhất, vốn phải được chảy đúng nơi, đúng chỗ, đúng địa chỉ. Chứ tín dụng tăng nhưng chảy vào DN "sân sau" hay đảo nợ thì cũng không giải quyết được vấn đề của nền kinh tế. Thứ hai, điều kiện vay cũng phải thay đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. Thay vì yêu cầu DN phải có lãi vài năm nhưng lại giảm mạnh giá trị tài sản thế chấp (mà sau 4 năm hết đối mặt với đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thì đa số DN không thể đáp ứng được) thì các NH nên xem xét đến tính khả thi của dự án cũng như khả năng trả nợ của khách hàng. Đây không phải nới chuẩn hay hạ chuẩn gì cả, mà hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của mỗi NH. Bởi thẩm định dự án là bước đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo khoản cho vay đạt được ba tiêu chí cơ bản: lợi nhuận - an toàn - lành mạnh của các NH thương mại. Chuyển sang các tiêu chí này vừa nâng cao chất lượng công tác thẩm định, hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu tổn thất có thể xảy ra cho chính NH. Quan trọng hơn, làm vậy thì vốn mới có thể tới được với DN, người dân. Năm 2023 chúng ta đã chứng kiến rất nhiều lĩnh vực ưu tiên nhưng không tiếp cận được vốn từ các NH cũng chỉ vì hàng rào điều kiện không còn phù hợp với bối cảnh như vừa nói trên. Tại hội nghị với ngành NH hôm qua, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh "không để người dân, DN thiếu vốn". Mà muốn như vậy, các nhà băng cũng phải linh hoạt trong phương thức, điều kiện vay chứ không cứng nhắc như thời gian qua.

Cập nhật mới nhất, tính đến cuối năm 2023, tiền gửi của người dân và DN vào hệ thống NH vẫn đang ở mức kỷ lục. Đây là dư địa rất lớn để các tổ chức tín dụng hạ lãi suất, đẩy mạnh cấp vốn cho nền kinh tế.

Năm 2024 được xác định còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang dốc toàn lực cho chặng đường về đích trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Chính sách tín dụng nói riêng và các chính sách nói chung đều phải đồng lòng cho mục tiêu này thì kinh tế chắc chắn sẽ phục hồi và tăng trưởng như kỳ vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.