UBND tỉnh này lập tức phải ra văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn cắt giảm tối đa các cuộc thi, với lý do không mới: "Để học sinh (HS) có thời gian được vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí, thể thao lành mạnh, giảm căng thẳng sau những giờ học, tăng cường sự giao tiếp, gắn kết với bạn bè, gia đình, giảm áp lực trong vấn đề thi cử".
Chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh thay vì sở GD-ĐT trong vấn đề này như cách mà Vĩnh Phúc vừa làm là cần thiết, khi thực tế rất nhiều cuộc thi vào trường học không phải của ngành GD-ĐT mà của nhiều ban, ngành, tổ chức khác nhau ngoài tầm quản lý của ngành.
Tuy nhiên, cần nhiều địa phương khác có động thái rà soát nghiêm túc và "giật mình" chấn chỉnh như Vĩnh Phúc, bởi nếu xét về số lượng các cuộc thi đang nhằm vào HS thì chắc chắn Vĩnh Phúc không thể bằng các đô thị lớn, nơi có HS đông, điều kiện kinh tế tốt hơn.
Tại Hà Nội mấy năm trước, một nhà toán học đã nói ông đếm sơ sơ cũng có tới dăm bảy chục cuộc thi toán quốc tế của các đơn vị tư nhân đang nhắm thẳng vào các trường học. Không biết con số chính xác là bao nhiêu, nhưng mới chỉ lướt qua website của một trường ngoại thành Hà Nội là Trường tiểu học Gia Thụy (Q.Long Biên) đã thấy hàng chục cuộc thi quốc tế na ná nhau với mức lệ phí cao ngất được giới thiệu, dẫn link để mời gọi phụ huynh HS đăng ký cho con em. Điều này không thể nói là một hành động vô tư của ban giám hiệu nhà trường, dù họ giải thích chỉ giới thiệu, còn quyền tham gia hay không là của HS và gia đình.
Trường học không phải là cái chợ để bày bán đủ thứ rồi nói theo kiểu "thuận mua, vừa bán". Chưa bàn đến việc có hay không lợi ích về mặt kinh tế, với trách nhiệm giáo dục của mình, nhà trường, nhà giáo phải là một bộ lọc về chuyên môn; phải thẩm định, nghiên cứu bất cứ sản phẩm giáo dục nào trước khi giới thiệu đến học trò của mình.
Ở tầm vĩ mô, một đề tài nghiên cứu lớn của Viện Khoa học giáo dục nhằm giải thích nguyên nhân cho "bệnh" thành tích trong giáo dục ở VN đã chỉ ra rằng, kết quả, thứ hạng trong các cuộc thi là một nguyên nhân dẫn đến "căn bệnh" này và quá nhiều cuộc thi cũng khiến cho căn bệnh trở nên ngày càng khó chữa, dù Bộ GD-ĐT từng phát động cả một phong trào "Nói không với bệnh thành tích và gian lận thi cử"…
Mới đây, khi nghe đề nghị của chính giáo viên về việc cần cắt giảm các cuộc thi mang tính phong trào để giảm áp lực cho cả người học và người dạy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã hứa sẽ xem xét. Tuy nhiên, trong khi chờ Bộ thì rất cần các địa phương cũng nghiêm túc rà soát và kiên quyết cắt giảm tối đa như UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa làm.
Bình luận (0)