Đừng biến điểm thi đua lớp thành nỗi sợ hãi của học sinh

06/01/2024 15:23 GMT+7

Một giáo viên là đồng nghiệp của tôi kể rằng, một học sinh lớp 11 từng nài nỉ, thậm chí xém khóc khi cô đánh giá tiết học trong sổ đầu bài lớp điểm 'khá'. Nam sinh này còn nói 'cô phạt gì cũng được, nhưng đừng ghi sổ đầu bài và đừng trừ điểm thi đua lớp vào sổ đầu bài'.

Qua tìm hiểu, giáo viên được biết học sinh lo sợ điểm thi đua lớp sẽ thấp, tụt hạng so với tuần trước và bị cô chủ nhiệm mắng. Đồng nghiệp than thở "thi đua giờ nặng nề quá, không chỉ với thầy cô mà còn cả học sinh".

Khi còn là học sinh, tôi may mắn được học nhiều thầy cô không đặt nặng chuyện thứ bậc thi đua của lớp, nhưng cũng có năm giáo viên chủ nhiệm (GVCN) quá coi trọng thi đua, giờ sinh hoạt lớp bỗng trở nên cực kỳ đáng sợ với những đứa bạn lỡ vi phạm nội quy, hoặc có tên trong sổ đầu bài. Không chỉ thế, cả lớp cùng phải chịu đựng cơn giận dữ, những lời chì chiết của giáo viên trong suốt cả tiết sinh hoạt cuối tuần như thế.

Việc xây dựng nội quy trường học là cần thiết để đảm bảo sự nghiêm cẩn, quy củ trong giáo dục. Từ đó rèn giũa học sinh có những phẩm chất về sự tự giác, ý thức kỷ luật. Bên cạnh đó, việc xây dựng, phát động phong trào thi đua là nhằm tạo động lực giúp học sinh phấn đấu khi có sự ganh đua, so kè với các lớp khác trong trường.

Thế nhưng, những tác động từ việc quá chú trọng đến thi đua, mà bỏ qua giá trị thật sự của giáo dục cũng gây ra những tiêu cực trong học đường.

Đừng biến điểm thi đua lớp thành nỗi sợ hãi của học sinh- Ảnh 1.

Một số trường học dùng kết quả thi đua của lớp để đánh giá giáo viên chủ nhiệm

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thứ nhất, một số trường học dùng kết quả thi đua của lớp để đánh giá GVCN. GVCN có lớp đứng nhóm cuối bị trừ điểm thi đua cuối năm, bị phê bình nhắc nhở từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, đôi khi trở thành ví dụ: "Lớp cô A năm ngoái thế này, lớp thầy B năm kia thế kia… thầy cô phải tránh".

Những áp lực từ trên đè xuống như thế khiến một số GVCN ức chế, dù biết lỗi vi phạm không đáng nhưng cũng không thể kìm nén và xả những uất ức, bực dọc ấy lên học sinh, tạo không khí căng thẳng, đôi khi dẫn đến những lời nói, hành vi quá đà, phản cảm. Thậm chí, giáo viên còn mâu thuẫn với đồng nghiệp vì cho rằng họ đánh giá lớp chủ nhiệm quá chặt tay, hay thiếu khách quan.

Thứ hai, việc tạo áp lực thi đua quá lớn dẫn đến một số hành vi không tốt, phản giáo dục cho học sinh.

Sợ lớp bị trừ điểm, sợ bị GVCN phê bình, kỷ luật, nhiều học trò tìm đến những cách như kết thân với đội sao đỏ, bao bạn ăn uống để không bị ghi sổ, gian lận trong kiểm tra, thậm chí tìm cách "phi tang" sổ đầu bài… và muôn vàn kiểu khác. Tất cả điều này đi ngược lại với giá trị cần nhất cho giáo dục - đó là sự trung thực.

Đừng biến điểm thi đua lớp thành nỗi sợ hãi của học sinh- Ảnh 2.

Việc đánh giá, tổ chức thi đua trong học sinh sẽ phát huy hiệu quả nếu dừng ở mức độ khen thưởng những tập thể, cá nhân học sinh có thành tích tốt

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thứ ba, đó là sự không công bằng khi đánh giá hạnh kiểm của học sinh dựa vào vị thứ xếp hạng. Bởi lẽ chỉ cần một học sinh vi phạm thường xuyên nội quy, sẽ làm thi đua lớp tụt xuống nhóm cuối. Điều này khiến những học sinh khác bị "vạ lây", mất hạnh kiểm tốt. Hay một giáo viên thực hiện tốt các công tác chuyên môn, nhưng chỉ vì vị thứ lớp chủ nhiệm đứng thấp sẽ bị trừ điểm thi đua, đánh giá thấp hay bị phê bình.

Việc đánh giá, tổ chức thi đua trong học sinh sẽ phát huy hiệu quả nếu dừng ở mức độ khen thưởng những tập thể, cá nhân học sinh có thành tích tốt, và lấy đó làm tấm gương tiêu biểu, khuyến khích học trò tích cực trong học tập, các hoạt động phong trào văn nghệ, thể dục thể thao. Như vậy, sẽ bớt áp lực, căng thẳng không cần thiết trong trường học, giúp môi trường học đường ngày càng thân thiện, hạnh phúc hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.