Có nên để giáo viên chủ nhiệm thu tiền học sinh đầu năm?

15/09/2023 15:12 GMT+7

Không ít thầy cô đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét các quy định, việc làm không cần thiết đã tồn tại lâu nay nhằm giải phóng giáo viên khỏi những thủ tục 'hành chính', việc thu tiền học sinh đầu năm để tập trung vào chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Một trong số những đề xuất là Bộ GD-ĐT cần quy định rõ việc thu tiền đầu năm học là của ai. Đây là điều tôi cùng nhiều đồng nghiệp thắc mắc suốt nhiều năm qua.

Giáo viên mỏi mệt vì đến lớp để "đòi nợ"

Lâu nay, tại trường tôi công tác ở tỉnh Khánh Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp là người phải thu trực tiếp rồi viết biên lai từng khoản. Các khoản thu gồm: học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, tiền hội phụ huynh học sinh, tiền phiếu liên lạc, ghế nhựa, nước uống, tiền giấy thi. Sau đó, giáo viên nộp lại cho kế toán và thủ quỹ.

Hầu hết giáo viên chủ nhiệm đều than phiền là rất mỏi mệt vì hàng ngày phải đến lớp để "đòi nợ". Nhiều lúc, giáo viên cảm thấy tủi thân khi nghe học sinh bảo rằng cô T., thầy L. "gặp mặt là đòi tiền". Tuy nhiên, học sinh đâu biết rằng đây là nhiệm vụ nhà trường giao cho thầy cô. Giáo viên phải hoàn thành đúng thời gian nếu không muốn bị nhắc nhở, phê bình.

Cần 'cởi trói' giáo viên khỏi việc thu tiền học sinh đầu năm - Ảnh 1.

Một buổi họp huynh đầu năm học

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhà trường đưa ra lý do chỉ có một kế toán và một thủ quỹ nên không thể nào thu hết tất cả các khoản được với số lượng lớn học sinh. Vì thế, ban giám hiệu phải phân công cho giáo viên chủ nhiệm thu tiền.

Nếu đây là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT thì giáo viên phải thực hiện. Nếu không thì thầy cô mong các lãnh đạo ngành giáo dục xem xét, xác định rõ trách nhiệm thu tiền đầu năm học thuộc về ai, đừng bắt giáo viên chủ nhiệm phải làm việc này. Vào đầu học năm học, giáo viên cần phải tập trung ổn định nền nếp, tập trung chuyên môn giảng dạy hơn là phải bận bịu thu tiền.

Giáo viên e ngại việc thông báo thu tiền đầu năm học

Tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 9. Vào đầu năm học, ngoài những công việc chuyên môn được phân công như tổ chức lớp, phổ biến thời khóa biểu, triển khai học nội quy, lao động..., một việc không thể thiếu với giáo viên chủ nhiệm đó là thông báo các khoản tiền thu đầu năm.

Việc thu tiền các khoản đầu năm học đối với học sinh vùng nông thôn nơi tôi dạy thật là khó khăn. Đa số phụ huynh làm nông chỉ đủ ăn hằng ngày, tất cả chờ đến mùa thu hoạch lúa may ra mới có ít tiền để trang trải cho nhiều thứ. Do đó, giáo viên chủ nhiệm e ngại việc thông báo thu tiền đầu năm học.

Nhà trường cũng phải nhắc nhở phụ huynh vì đó còn là chỉ tiêu phải hoàn thành do cấp trên giao. Điều này buộc giáo viên chủ nhiệm phải "hò hét" hằng ngày để thu đủ các khoản theo quy định. Với tinh thần "thu đúng, thu đủ" như vậy, giáo viên gián tiếp gây thêm nhiều lo lắng cho phụ huynh.

Có lần, tôi vừa thức dậy và mở điện thoại lên thì thấy tin nhắn: "Tôi là phụ huynh của em T.. Xin thầy sáng nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp. Tôi rất xấu hổ vì chưa thể đóng tiền được, chồng tôi đang bệnh. Mong thầy thông cảm, cảm ơn thầy!".

Đọc xong tin nhắn, tôi cảm thấy áy náy trong lòng dù chưa bêu tên em T. trước lớp và tự trách mình vô tình, không tìm hiểu hoàn cảnh học sinh để có thể giúp đỡ phần nào cho các em. Nếu không nhận được tin nhắn này, như mọi khi, tôi sẽ đọc tên những học sinh chưa đóng tiền trước lớp.

Cần 'cởi trói' giáo viên khỏi việc thu tiền học sinh đầu năm - Ảnh 2.

Giáo viên chủ nhiệm đảm đương nhiều công việc ngoài chuyên môn, nhất là vào đầu năm học

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Kể từ đó, tôi không bao giờ đọc tên học sinh chưa đóng tiền trước lớp, bất kể thầy hiệu trưởng phê bình lớp tôi chủ nhiệm chưa hoàn thành việc thu tiền. 

Một hôm thầy hiệu trưởng gọi tôi lên văn phòng và tôi đã trao đổi với thầy về trường hợp em T. Cụ thể, gia đình em T. khó khăn, bố bị bệnh nặng, mẹ không có việc làm nên không có tiền để đóng. Em T. là học sinh giỏi ba năm liền lớp 6, 7, 8 nên tôi đề nghị nhà trường miễn cho em. Sau đó, thầy hiệu trưởng đồng ý đưa em vào diện thất thu. 

Đây là điều tôi có thể giúp em T. Và đó cũng là bài học cho tôi và đồng nghiệp: "Đừng bao giờ làm việc vì chỉ tiêu và thi đua. Việc nhắc nhở các em về chuyện tiền bạc nên hết sức tế nhị, không nên đọc tên những học sinh chưa đóng tiền trước lớp cũng như dưới cờ". 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.