Cho đi là còn mãi: Cuộc sống tiếp nối diệu kỳ

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
02/07/2024 07:00 GMT+7

Trong số hàng ngàn ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện T.Ư Huế, nhiều nhất là ghép thận, tiếp đến là ghép tim, gan…, đến nay đa số người ghép đều sống khỏe mạnh. Chính nguồn tạng hiến đã giúp họ được "sinh ra lần thứ hai" để tiếp nối cuộc sống.

Gần 2.000 ca ghép tạng thành công

Kỹ thuật ghép tạng tại Bệnh viện (BV) T.Ư Huế được triển khai từ năm 1992, đánh dấu mốc trên bản đồ ghép tạng của VN với ca ghép thận đầu tiên vào năm 2001. Sự kiện này mở đầu cho hành trình hơn 20 năm ghép tạng của BV T.Ư Huế.

Cho đi là còn mãi: Cuộc sống tiếp nối diệu kỳ- Ảnh 1.

Ê kíp y, bác sĩ đi nhận tạng hiến của BV T.Ư Huế

BVCC

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV T.Ư Huế, cho biết đến nay BV đã thực hiện thành công gần 2.000 ca ghép tạng; kỹ thuật ghép tạng của BV có tốc độ phát triển vượt bậc, tiệm cận với thế giới. Trong đó, ghép thận những năm gần đây mỗi năm thực hiện gần 200 ca. Ca ghép tim đầu tiên tại BV T.Ư Huế được thực hiện vào năm 2011, tính đến nay đã có 11 ca ghép thành công.

"Từ năm 2018 đến nay, BV đã thực hiện thành công 10 ca ghép tim và 2 ca ghép gan xuyên Việt trong điều kiện nhận điều phối tạng gặp rất nhiều khó khăn do quãng đường vận chuyển phức tạp, phải vận chuyển tạng bằng máy bay dân dụng cùng với hành khách, và cả trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và VN. Việc lấy tạng thực hiện ở các BV tuyến dưới, nhân lực phải phân chia thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ", GS-TS Phạm Như Hiệp nói.

Sự thành công của 11 ca ghép tim xuyên Việt đã khẳng định vị thế của BV trong việc chinh phục đỉnh cao của ghép tạng. "Đó là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của nhiều trung tâm, khoa, phòng với nhiều chuyên ngành trong toàn BV, thể hiện sự nỗ lực lớn lao của tập thể cán bộ BV T.Ư Huế", GS-TS Phạm Như Hiệp khẳng định.

Lĩnh vực ghép tế bào gốc trong điều trị hỗ trợ ung thư vú và buồng trứng tại BV T.Ư Huế cũng đã được triển khai thường quy. Tính đến nay, BV đã thực hiện thành công hơn 35 ca ghép, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý u đặc trẻ em. Còn ghép giác mạc được triển khai tại BV từ năm 1999, đến nay 40 bệnh nhân (BN) đã được thực hiện ghép giác mạc.

BV T.Ư Huế cũng hoàn thiện cơ sở phục vụ công tác ghép tạng với sự ra đời của Trung tâm ghép tạng trực thuộc BV T.Ư Huế vào tháng 8.2019, tiền thân là đơn vị Điều phối ghép tạng được thành lập năm 2015. Đây là trung tâm ghép tạng đầu tiên ở khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Cho đi là còn mãi: Cuộc sống tiếp nối diệu kỳ- Ảnh 2.

Đại đức Thích Huệ Trọng, người đã đăng ký hiến tạng tại Trung tâm ghép tạng BV T.Ư Huế

NVCC

"Trung tâm ghép tạng BV T.Ư Huế được thành lập tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc ghép tạng tại BV cũng như khu vực. Hy vọng trong tương lai không xa, đây là nòng cốt của Văn phòng Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây nguyên", GS-TS Phạm Như Hiệp nói thêm.

Hiện tại BV T.Ư Huế có 35 BN chờ ghép thận, 35 BN chờ ghép tim, 12 BN chờ ghép tim - phổi, 41 BN chờ ghép gan và 310 BN chờ ghép giác mạc.

Nghĩa cử cao đẹp

Bên cạnh thành tựu y học, để công tác ghép tạng thành công, không thể không nhắc đến những tấm lòng cao cả của những người đã hiến tạng cứu người với tinh thần "cho đi là còn mãi".

Theo Trung tâm ghép tạng BV T.Ư Huế, tính từ năm 2015 đến thời điểm 30.5.2024, tại trung tâm đã có 698 người đăng ký hiến tạng để cứu người khi không may qua đời. Nhớ lại năm 2015, khi đơn vị điều phối ghép tạng thành lập, BV bắt đầu tiếp nhận BN hiến tạng thì chỉ có 5 người đăng ký; nhưng đến năm 2023 đã tăng vọt lên đến 136 người đăng ký.

Phong trào hiến tạng ở khu vực miền Trung - Tây nguyên đã bắt đầu lan tỏa trong xã hội và ngay cả các nhà sư ở các chùa lớn tại Huế cũng tình nguyện đăng ký. Trong đó, có thể kể đến đại đức Thích Huệ Trọng, Ủy viên Ban Phật giáo quốc tế T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, Phó trưởng ban thường trực Ban Từ thiện - xã hội, Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đại đức đã đăng ký và được cấp thẻ chứng nhận hiến tạng. Với tâm nguyện "cho đi là còn mãi", đại đức hoan hỷ đưa thông tin lên báo để cùng lan tỏa đến nhiều người.

Cho đi là còn mãi: Cuộc sống tiếp nối diệu kỳ- Ảnh 3.

Gia đình anh chị Trần Công Cảm - Nguyễn Thị Kim Oanh cùng con trai hạnh phúc sau khi được bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ chi phí ghép thận thành công

NVCC

Nhân chứng sống của ca ghép tim đầu tiên tại BV T.Ư Huế là anh Trần Mậu Đức, năm nay 38 tuổi, hiện là nhân viên bảo vệ tại BV T.Ư Huế. Năm 2011, anh Đức là BN đầu tiên được ghép tim tại BV T.Ư Huế và cũng là ca ghép tim đầu tiên do chính bác sĩ VN thực hiện từ người cho chết não.

Cùng được ghép tim có ông Trần T. (58 tuổi, ở bên vùng đầm phá Cầu Hai, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Ông T. hiện đã khỏe mạnh và trở lại với nghề xây dựng. Điều kỳ diệu là qua một chương trình cầu truyền hình, ông T. còn được gặp gia đình người đã hiến tim cho mình. Bây giờ, không chỉ gia đình của mình, ông T. còn có thêm nhiều người thân ở một quê hương mới. Trái tim hồng không chỉ cho ông cuộc sống mà còn cho ông cảm nhận sâu sắc nghĩa cử cao đẹp của tình người.

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 2 là một chàng trai trẻ đến từ TP.Đà Nẵng tên Phạm Văn Cơ. Hiện đang làm nghề cắt tóc ở Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng. "Mỗi tháng em được nhận lương, tuy không nhiều nhưng đó là công sức lao động chân chính. Cuối tuần, em ra chợ cá phụ mẹ những việc nặng. Em được sống lại lần thứ hai nhờ trái tim hiến tặng và nỗ lực của các bác sĩ", Cơ tâm sự. (còn tiếp)

Báo Thanh Niên nối nhịp cầu nhân ái

Trong số những trường hợp hiến và được ghép tạng thành công tại BV T.Ư Huế, có vợ chồng anh Trần Công Cảm (công nhân vận hành hồ thủy lợi Tả Trạch, Thừa Thiên-Huế). Anh Cảm hiến thận để ghép cho vợ là chị Nguyễn Thị Kim Oanh (nhân viên Trường trung cấp Âu Lạc, TP.Huế).

Ca ghép thận của chị Oanh đã được Báo Thanh Niên kêu gọi và bạn đọc, công ty nơi chị Oanh làm việc đóng góp hỗ trợ gần 400 triệu đồng. Ca ghép thận đã được thực hiện thành công ngày 20.9.2018 tại BV T.Ư Huế. Đến nay, sau hơn 6 năm được ghép thận, sức khỏe của 2 vợ chồng anh Cảm đều ổn định.

"Bây giờ trong cơ thể vợ em có một phần thân thể của em. Chúng em được sinh ra lần nữa là nhờ sự phát triển, thành tựu của y học một phần và nhờ rất nhiều tấm lòng của y, bác sĩ, thân hữu và bạn đọc Báo Thanh Niên", anh Cảm chia sẻ.

Báo Thanh Niên cũng đã có bài viết kêu gọi và bạn đọc đã giúp đỡ cô giáo Văn Thị Hằng Nga (45 tuổi, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Hải Phú, H.Hải Lăng, Quảng Trị) với số tiền hơn 100 triệu đồng. Ca ghép thận của cô Nga cũng đã được BV T.Ư Huế thực hiện thành công.

Bùi Ngọc Long

500 tỉ đồng xây dựng trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Đà Nẵng

Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc thuộc BV Đà Nẵng được đưa vào vận hành vào cuối tháng 2.2024 với kinh phí khoảng 500 tỉ đồng, quy mô 422 giường bệnh, có hệ thống phòng mổ hiện đại cùng khu ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc, trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế.

Từ năm 2006, BV Đà Nẵng đã triển khai ghép thận. Năm 2023, BV Đà Nẵng triển khai 2 ca ghép tủy đầu tiên. Mục tiêu trong quý 4/2024, BV sẽ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ BV T.Ư Quân đội 108 thực hiện ca ghép gan đầu tiên. Đây là một trong những bước tiến đưa y tế Đà Nẵng thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.