Cho đi là còn mãi

30/06/2024 06:33 GMT+7

Ngày 19.5.2024, nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã diễn ra lễ phát động phong trào 'Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi', với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Điều đặc biệt, Thủ tướng đăng ký hiến tạng và kêu gọi mọi người dân VN trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, vùng miền hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống" vì "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người. Sau sự kiện này, rất nhiều người tình nguyện đăng ký hiến tạng.

Cho đi là còn mãi- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi" ngày 19.5.2024

Nhật Bắc

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến tháng 6 năm nay, tại VN, hàng ngàn người đã được hồi sinh, kéo dài sự sống nhờ được ghép tạng. Các bác sĩ và hàng ngàn người bệnh tin tưởng sẽ có thêm nhiều cuộc sống mới sau "ghép nối", đến từ nghĩa cử hiến tạng "Cho đi là còn mãi".

Lá thư từ trái tim

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế), chia sẻ câu chuyện xúc động về lá thư với tâm nguyện "Cho đi là còn mãi".

"Đó là bức thư viết tay của người đàn ông ở H.Thạch Thất, Hà Nội, gửi về Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. Lá thư được gửi đến trung tâm tháng 12.2023", bác sĩ Phúc cho biết.

Cho đi là còn mãi- Ảnh 2.

Tấm ảnh kỷ niệm của vợ chồng ông Trịnh Văn Hải và 2 cô con gái. Cả gia đình 4 người đều đăng ký hiến tạng

NVCC

"Hôm nay, tôi viết thư này gửi về trung tâm. Tôi thật vui và hạnh phúc! Bởi từ 30 năm về trước (1993), tôi đã có tâm nguyện hiến tạng cho y học khi qua đời. Đối với bản thân tôi, đó là việc làm thật ý nghĩa", tác giả bức thư bộc bạch và cho biết: "Hiện tại tôi đã nghỉ hưu vui hưởng tuổi già cùng con cháu. Việc tôi đăng ký hiến tạng là hoàn toàn tự nguyện với trí óc minh mẫn, sáng suốt, xuất phát từ tâm nguyện trong tim!"... Cuối thư, chủ nhân bức thư có lời gửi gắm vô cùng ý nghĩa: "Với tôi, cho đi là còn mãi".

Theo bác sĩ Phúc, sau ca ghép tạng đầu tiên tại VN là ghép thận (32 năm trước), và tiếp đến là ghép gan (20 năm trước), đến nay trong nước đã thực hiện 9.131 ca ghép tạng: thận, gan, tim, phổi.

Khi được ông xã giải thích và tìm hiểu kỹ hơn thì tôi mới hiểu ra tấm lòng của chồng mình. Tôi cũng nghĩ rằng khi chết thì sẽ về với cát bụi, chỉ khi cho đi là sẽ còn mãi mãi nên hạ quyết tâm theo chồng đăng ký hiến tạng.

Bà Vũ Thị Lụa, vợ ông Trịnh Văn Hải, ở tổ 8, P.Nam Hà, TP.Hà Tĩnh

Ngoài ra, ca hiến mô (giác mạc) đầu tiên tại VN là cụ bà Nguyễn Thị Hoa (xã Cồn Thoi, H.Kim Sơn, Ninh Bình). Đến nay, Ngân hàng Mắt (BV Mắt T.Ư) đã thu nhận được giác mạc từ 963 người hiến tặng của 20 tỉnh, thành trong cả nước, đem lại ánh sáng cho người bệnh về giác mạc có chỉ định ghép.

"Những nghĩa cử đẹp của người đăng ký hiến mô, tạng và gia đình, người thân của người hiến tạng sau khi qua đời đã lan tỏa ngày càng rộng khắp cả nước, đem lại cơ hội sức khỏe, sự sống và ánh sáng cho những người bệnh hiểm nghèo", bác sĩ Phúc bày tỏ.

Nữ nhân viên y tế hiến tạng cứu 4 người

"Ca hiến tạng của một nhân viên y tế Bệnh viện (BV) E là một gương điển hình lan tỏa trong xã hội về những tấm lòng cao đẹp, là những hình ảnh đẹp thể hiện sự chia sẻ cao quý thân thể của mình để cứu sống người khác. Việc cho, hiến tạng để cứu sống người khác là hành động cao đẹp nhất của tấm lòng từ thiện vì người khác. Bộ Y tế đánh giá cao sự hy sinh và cống hiến của chị đã và truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho chị", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ khi nói về nữ nhân viên của BV E.

Cho đi là còn mãi- Ảnh 3.

Một ca ghép tạng tại BV Hữu nghị Việt Đức

BVCC

Cảm xúc trước nghĩa cử của nữ nhân viên, TS-BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc BV E, chia sẻ: "Chị bị ngừng tim đột ngột do bệnh hiểm nghèo. Sau khi đưa vào BV E cấp cứu, hồi sức, mặc dù tim đã đập trở lại, nhưng bệnh nhân trong tình trạng chết não. Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, gia đình đồng ý hiến toàn bộ tạng để cứu sống 4 người mắc trọng bệnh".

Ngay lập tức, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia và BV E, BV Hữu nghị (BVHN) Việt Đức, BV T.Ư Quân đội 108, BV Phổi T.Ư đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng trong việc lấy tạng và ghép tạng cho người bệnh.

"Để thực hiện việc lấy, ghép tạng này, phòng mổ của BV E cũng như BVHN Việt Đức, BV T.Ư Quân đội 108 đều sáng đèn với các kíp mổ sẵn sàng thực hiện việc lấy - ghép khi có thể thực hiện được ngay. Hàng chục y bác sĩ, chuyên gia của các BV tham gia vào các ca hiến - ghép đa tạng này. Từ tạng hiến của nữ nhân viên y tế đã hồi sinh sự sống cho 4 người, trong đó có 1 người bệnh được ghép tim và 2 người bệnh được ghép thận ở BVHN Việt Đức, 1 người bệnh được ghép gan ở BV T.Ư Quân đội 108", TS-BS Nguyễn Công Hựu cho hay.

Với các đồng nghiệp, câu chuyện về một nữ nhân viên y tế hiến mô, tạng có thể cứu sống được nhiều người khác, nối dài sự sống cho người bệnh không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tình người, nghĩa cử cao đẹp của tinh thần "tương thân, tương ái", có sức lan tỏa cộng đồng. "Trái tim của con tôi vẫn "sống" theo cách riêng và đầy ý nghĩa trong trái tim của người thân, gia đình, đồng nghiệp và mọi người trong xã hội", người cha của nữ nhân viên chia sẻ.

Cả gia đình 4 thành viên cùng đăng ký hiến tạng

Với ước nguyện giúp các bệnh nhân nặng có cơ hội sống tiếp, vợ chồng ông Trịnh Văn Hải (63 tuổi, ngụ tổ 8, P.Nam Hà, TP.Hà Tĩnh) và 2 con gái đã cùng đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Ông Hải kể, kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng ông hay làm việc thiện giúp đỡ những người nghèo khó, gặp hoạn nạn. Thông qua đọc sách báo, từ lâu ông cũng biết đến việc rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần được ghép tạng song chưa có cơ hội vì người đăng ký hiến tạng cho y học sau khi bị chết não là rất ít.

Cho đi là còn mãi- Ảnh 4.

Vợ chồng ông Hải chưa bao giờ hối hận về quyết định hiến tạng của mình

PHẠM ĐỨC

"Tôi rất mong muốn được đăng ký hiến tạng nhưng không biết hỏi ai và đăng ký ở đâu. Mãi đến cuối năm 2015, tôi tình cờ xem được chương trình nhân đạo trên sóng truyền hình về việc nhiều bệnh nhân đã khỏe mạnh trở lại sau khi được ghép tạng, kèm theo lời kêu gọi đăng ký hiến tạng. Tôi vội lấy giấy bút ghi lại thông tin địa chỉ liên hệ để thực hiện mong ước của mình", ông Hải nhớ lại.

Sau khi có được địa chỉ của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, ông Hải lập tức liên hệ và được nhân viên của trung tâm này hướng dẫn cụ thể về cách làm hồ sơ để đăng ký hiến tạng cho mục đích nhân đạo. Chỉ ít ngày sau, một bộ hồ sơ cho người tình nguyện đăng ký hiến tạng đã được gửi về nhà ông Hải.

Trong đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể, ông Hải đã không chút do dự đăng ký hiến 12 bộ phận sau khi qua đời như: giác mạc, tim, da, thận, gan, phổi, tụy…

"Quyết định này đối với tôi rất nhẹ nhõm và không cần phải suy tính gì cả. Bởi tôi quan niệm con người ta sống hay chết cũng chỉ một lần mà thôi, nếu khi chết đi mà các bộ phận trên cơ thể của mình cứu sống được ai đó thì thật là quý giá. Đến nay đã gần 10 năm trôi qua nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình", ông Hải tâm sự.

Cho đi là còn mãi- Ảnh 5.

Bức thư từ trái tim bày tỏ "Cho đi là còn mãi"

HOÀNG PHÚC

Bà Vũ Thị Lụa (56 tuổi, vợ ông Hải) nói rằng ban đầu khi thấy chồng cầm lá đơn đăng ký hiến mô tạng, bà cũng có chút giật mình do chưa hiểu hết ý nghĩa của việc nhân đạo này. Hơn nữa, từ xưa đến nay nhiều người vẫn đang quan niệm "chết phải toàn thây" khiến bà bối rối, thậm chí có phần "sợ hãi" với quyết định của chồng.

"Khi được ông xã giải thích và tìm hiểu kỹ hơn thì tôi mới hiểu ra tấm lòng của chồng mình. Tôi cũng nghĩ rằng khi chết thì sẽ về với cát bụi, chỉ khi cho đi là sẽ còn mãi mãi nên hạ quyết tâm theo chồng đăng ký hiến tạng", bà Lụa nói.

Đầu năm 2017, đến lượt 2 cô con gái là Trịnh Vũ Thu Hà (31 tuổi) và Trịnh Vũ Ngân Hà (27 tuổi) cùng đăng ký hiến mô, tạng cho y học sau khi qua đời.

Không dừng lại ở việc đăng ký hiến tạng, cả 4 thành viên gia đình ông Hải hằng ngày vẫn luôn lan tỏa lối sống đẹp và tích cực kêu gọi người khác cùng tham gia hiến tạng cho những số phận kém may mắn.

"Tôi vẫn luôn mong muốn người dân hãy thay đổi quan niệm để có thể sẻ chia, giúp đỡ người khác. Chỉ khi người người hiến tạng, nhà nhà hiến tạng thì nguồn mô tạng mới đủ để cứu sống được nhiều bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo", ông Hải nhắn nhủ.

Ông Phan Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND P.Nam Hà, cho hay việc gia đình ông Hải với 4 thành viên tham gia đăng ký hiến tạng sau khi qua đời là một việc làm hết sức cao cả, cần được nhân rộng. "Từ câu chuyện của gia đình ông Hải, chúng tôi cũng hy vọng sẽ thay đổi quan điểm hiến tạng cho nhiều người khác. Từ đó, việc đăng ký hiến tạng sẽ lan tỏa mạnh mẽ cộng đồng, để giúp sức nền y học mang lại cơ hội được sống tiếp cho nhiều bệnh nhân", ông Thanh bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.