Lăng kính bạn đọc:

Chờ đột phá di dời nhà ven kênh rạch

Kim Lan
Kim Lan
(tổng hợp)
11/08/2024 05:29 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên tin tưởng kế hoạch di dời nhà ven kênh rạch của TP.HCM sẽ đạt hiệu quả cao nếu đáp ứng tốt câu chuyện an sinh của người dân.

Như Thanh Niên đưa tin, TP.HCM đang xác định, phân loại nhà ở ven kênh rạch và tham mưu chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các trường hợp phải giải tỏa.

Chờ đột phá di dời nhà ven kênh rạch- Ảnh 1.

Để di dời người dân sống ven kênh rạch, cần đảm bảo nhu cầu an sinh, an cư

Sỹ Đông

Theo ông Tô Văn Lâm, Phó trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP.HCM, phần lớn hộ dân thuộc diện di dời chỉ được hỗ trợ, bồi thường một phần, không đủ để chi trả tiền mua nhà ở thương mại, nên việc vận động người dân đồng thuận và bàn giao mặt bằng thực hiện dự án là rất khó khăn. Đây là lý do chính khiến tiến độ các dự án di dời nhà ven kênh ở TP.HCM nhiều năm qua rất chậm. Cụ thể, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu bồi thường 6.500 căn nhà trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng đến hết quý 2/2024 mới di dời được 983 căn. Dự kiến đến hết năm 2025, TP.HCM cũng chỉ di dời 4.928/6.500 căn (đạt 76% chỉ tiêu), trọng tâm là dự án rạch Xuyên Tâm (di dời 2.134 căn) và dự án bờ bắc kênh Đôi (di dời 1.580 căn).

Hiện nay, việc TP.HCM tính toán nâng mức hỗ trợ lên 70% cùng với chính sách tái định cư linh hoạt, đặc biệt là đề án cho hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện bố trí tái định cư được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội (NOXH), được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho kế hoạch di dời nhà ven kênh rạch, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Phải giải bài toán khó

Câu chuyện chỉnh trang đô thị từ trước đến nay hay vướng ở khâu giải tỏa và đền bù, nhất là khi chính sách tái định cư thường khó tiệm cận với mức nhu cầu của người dân thuộc diện di dời.

Bạn đọc (BĐ) Song Nguyên nhận xét: "Bài toán cực lớn mà TP.HCM phải thực hiện là giải tỏa hết nhà ven kênh rạch, giải tỏa hết nhà hẻm nhỏ chằng chịt ở các quận trung tâm. Khó giải quyết nhưng đó là việc đáng làm và phải làm".

Với các đột phá về chính sách dựa theo luật Đất đai 2024 và Nghị quyết 98 năm 2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM hiện nay, nhiều BĐ tin tưởng "đã đến lúc giải được bài toán khó".

BĐ hungtafuni nêu ý kiến: "TP.HCM cố gắng phát huy hết khả năng vận động nhiều đơn vị và phát huy hết tiềm năng con người cùng bàn bạc với dân tin rằng sẽ làm được và thành công thôi. Vận dụng quỹ NOXH cũng là một cách làm tốt".

Đa số BĐ thống nhất với ý kiến của BĐ Thiên Lê: "Nên sớm đền bù giải tỏa và tìm chỗ ở mới cho người dân để cải tạo những dòng kênh đen ở TP.HCM, góp phần chỉnh trang đô thị, góp phần làm sạch đẹp TP".

An sinh mới an cư

Phát biểu trên Thanh Niên, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) cho rằng giúp người dân "tái định cư tại chỗ" là tốt nhất. Bởi lẽ người sinh sống ven kênh đa phần là thu nhập thấp, buôn bán nhỏ, lao động tự do, nên điều họ cần nhất là nơi mưu sinh gần với chỗ ở. TS Nguyên khuyến nghị chính quyền TP.HCM nên đặt yêu cầu mưu sinh lên cao nhất, sau đó mới đến chỗ ở.

BĐ Minh Nghĩa cho rằng: "Nếu giải quyết tốt được câu chuyện an sinh rồi mới an cư, nhiều hộ dân thuộc diện di dời sẽ vui vẻ rời đi". Tán thành, BĐ Trường Lưu nêu ý kiến: "Muốn giải tỏa nhà ở ven kênh rạch được tốt, quan trọng nhất là thuyết phục được người dân về cơ hội sinh nhai mới ở nơi chuyển đến, điều đó quan trọng hơn nhiều so với số tiền bồi thường hay một căn NOXH".

* Các chính sách, chủ trương hỗ trợ về chỗ ở, chỗ sống cho các hộ dân phải giải tỏa, giải phóng mặt bằng là rất đúng. Đồng thời muốn thực hiện tốt cần phải có những cán bộ giỏi, có tâm và có tầm. Dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của người dân, của thành phố và xã hội thì chắc chắn sẽ thành công.

Lê Quang

* Chính quyền cần dành quỹ đất gần nơi giải tỏa để xây dựng NOXH nhằm tái định cư tạo điều kiện mưu sinh và sinh hoạt gắn liền với nơi ở tại địa phương.

phuc181958

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.