|
Vùng rừng chúng tôi đến, người địa phương gọi là Đại Đủ, thuộc xã Xuân Trạch và lâm phận của chi nhánh Lâm trường Bố Trạch. Từ đường Hồ Chí Minh, sau khoảng 3 tiếng đồng hồ cắt rừng, chúng tôi đến vùng khai thác. Từ xa đã nghe tiếng cưa máy rào rào, cây rừng bị chặt hạ, cành ngọn mới cũ vứt ngổn ngang, nhiều thân gỗ táu, dổi, chò đỏ to chỉ còn trơ gốc… Khu rừng trông như một công trường đang khai thác.
Đường vòng qua trạm
Tất cả gỗ được xẻ thành “khung ngoại”, sau đó gùi bộ về điểm tập kết rồi dùng xe máy chở tiếp về xuôi. Cách đó khoảng 600 m có Trạm kiểm soát lâm sản liên ngành Khe Sến nên lâm tặc chỉ chở gỗ đi một đoạn đến gần trước trạm, sau đó gùi bộ vào rừng sát mép đường, đi vòng qua trạm rồi lại tiếp tục đưa lên đường ở vị trí bên kia trạm, dùng xe máy chở về khu dân cư xóm Mới, xã Xuân Trạch. Chính ngay trên cung đường này đã diễn ra vụ hỗn chiến kinh hoàng giữa dân địa phương và nhóm giang hồ tứ xứ đến cướp gỗ trong vụ 3 cây huê cổ thụ bị đốn hạ vào tháng 5.2012.
|
|
Sau khi tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau và trong thời gian dài đeo bám, chúng tôi đã ghi lại những hình ảnh sôi động như… chợ ở đây. 9 giờ 40 ngày 14.5, tại điểm tập kết sau trạm (chỉ cách trạm khoảng 200 m và thấy rõ 4 nhân viên đang nằm trên võng canh gác), những gùi gỗ lù lù trong rừng được mang ra mặt đường và nhanh chóng chất lên xe máy chở về xóm Mới, Xuân Trạch. 15 phút sau, gỗ ra ồ ạt, có lúc 5 xe máy cùng lao tới đón hàng. Mặc dù chở cồng kềnh nhưng xe nào cũng phóng nhanh, đổ dốc và ôm cua vèo vèo, nhiều tốp 3-4 xe còn đua tốc độ…
3 ngày sau, chúng tôi tiếp tục tiếp cận điểm sau trạm và những hình ảnh tương tự được ghi lại. Điều khác biệt, trong thời điểm đó, 2 cán bộ kiểm lâm chạy xe máy ngang qua những người đang chờ đón gỗ nhưng không nói gì.
Ngày 26.6, có mặt tại điểm tập kết gỗ trước trạm, chúng tôi cũng chứng kiến những cảnh tương tự. Lúc 10 giờ, chuyến gỗ đầu tiên bắt đầu. Ngay khi nhận tín hiệu “có hàng”, 6 xe máy hướng từ trạm liên ngành lao tới thả người xuống. Số này làm nhiệm vụ gùi gỗ trung chuyển vòng qua trạm. 10 giờ 33 phút, một cán bộ kiểm lâm chạy xe máy mang biển số 73B1-0033…ngang qua nhưng rồi cũng như chẳng có chuyện gì. 11 giờ 20, xe chở gỗ bắt đầu đổ về nườm nượp với tốc độ nhanh.
“Chỉ nhỏ lẻ thôi”
Chỉ trong khu vực từ đỉnh đèo Đá Đẽo về hết địa phận xã Xuân Trạch, tính trên đường lẫn trong rừng có đến 2 trạm kiểm lâm, 1 trạm liên ngành, 2 trạm bảo vệ rừng.
|
Năm 2001, tổ công tác liên ngành Khe Sến được thành lập nhằm hạn chế tình trạng gỗ lậu tung hoành trên địa bàn. Hiện trạm có 17 người, trực thuộc biên chế của 3 đơn vị là Hạt Kiểm lâm Bố Trạch, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và chi nhánh Lâm trường Bố Trạch. Việc vận chuyển gỗ lậu diễn ra ngang nhiên, công khai từ ngày này sang tháng khác, rất nhiều người đi đường bắt gặp nên không thể nói trạm đóng ở đó không biết. Đặc biệt, các điểm chuyển gỗ ở rất gần vị trí đóng trạm, chỉ trên dưới 200 m. Ở các điểm đó, ngày nào cũng tập trung nhiều người và xe máy... Khi xem những hình ảnh chúng tôi cung cấp, một cán bộ làm công tác bảo vệ rừng thốt lên: “Trạm này đã bị tê liệt”.
Trả lời PV, ông Trần Văn Hằng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Bố Trạch và là Trưởng trạm Khe Sến, giải thích: “Rất khó ngăn chặn vì dân đông, dùng đủ mọi hình thức, tranh thủ mọi thời gian. Chở trên xe máy rất khó ngăn; nếu lực lượng mình mạnh, đi ô tô thì họ thả gỗ chạy, nếu mình yếu, cũng đi xe máy thì nó uy hiếp, phóng nhanh hơn, lạng lách nguy hiểm. Rồi bị nó ném đá làm thủng mái nhà trạm”.
Còn Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch Bùi Văn Thắng lại cho rằng: “Trước kia làm ồ ạt chứ bây giờ chỉ nhỏ lẻ thôi, trước kia dùng trâu kéo giờ chỉ vác trên vai. Chỉ hạn chế đến mức tối đa chứ không triệt để được. Công tác bảo vệ rừng đã làm tương đối tốt”.
Trương Quang Nam
>> Phát hiện xe chở gỗ lậu
>> Cận cảnh gỗ lậu "nhộn nhịp" ở Phong Nha - Kẻ Bàng
>> Phá vụ vận chuyển gỗ lậu
>> Phá vụ vận chuyển gỗ lậu trị giá hơn 300 triệu đồng
>> Gỗ lậu ở bến sông
>> Lật xe tải, lòi gỗ lậu
>> Thu giữ gần 200 m3 gỗ lậu
Bình luận (0)