Chợ 'hàng cấm' nhức nhối nhiều năm: Công an TP.HCM vào cuộc kiểm tra, xử lý

Trác Rin
Trác Rin
09/09/2020 17:41 GMT+7

Ngày 9.9, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM liên hệ với PV Thanh Niên , đề nghị cung cấp thông tin, chứng cứ, nhằm xử lý những chợ ‘hàng cấm’ nhức nhối từ nhiều năm mà Báo Thanh Niên phản ánh.

Thời gian qua, Báo Thanh Niên liên tục có những bài viết phản ánh tình trạng chợ 'hàng cấm' hoạt động nhộn nhịp trên mạng. Việc mua bán cảnh phục, hung khí, súng… diễn ra như mua bán rau ngoài chợ.

Dân xúm lại xem công an bắt nghi phạm cướp tiệm vàng bằng roi điện tháng 4.2019

Công an vào cuộc

Sau khi báo phản ánh, Phòng PC02 Công an TP.HCM đã trực tiếp cử cán bộ trinh sát liên hệ với PV Thanh Niên, đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh, chứng cứ, để đơn vị vào cuộc, xử lý tình trạng chợ 'hàng cấm' diễn ra công khai như trên.

Ngang nhiên rao bán quân hàm ngành công an trên mạng xã hội

Trác Rin

Trao đổi với PV, một cán bộ PC02 cho rằng, tình trạng mua bán hàng cấm trên mạng cần nhiều đơn vị cùng vào cuộc thì mới xử lý tới nơi tới chốn được. Vì việc nhận hàng có thể ở TP.HCM, nhưng nơi gửi lại ngoài Hà Nội. Ngoài ra, người giao hàng lại là nhân viên bưu điện, không hề biết món đồ mình giao là hàng cấm.
“Nếu phóng viên của Báo Thanh Niên phát hiện kho chứa, hoặc “địa chỉ” giao nhận hàng của các đối tượng mua bán hàng ‘nóng’, hàng cấm, thì chúng tôi sẵn sàng phối hợp, vào cuộc xử lý ngay”, một cán bộ Đội 4, Phòng PC02 Công an TP.HCM đề nghị.

Nhức nhối từ lâu

Trước đó, ngày 31.8, PV Thanh Niên “lướt” qua một số “địa chỉ” mua bán cảnh phục, thậm chí “hàng nóng” trên Facebook, và ghi nhận tình trạng này diễn ra nhộn nhịp. Trên trang “Shop đồ lưu niệm công an” quảng cáo đầy đủ các loại cảnh phục liên quan đến ngành công an. Ngoài quần áo, giày, áo mưa, dây nịt, cầu vai của ngành công an, còn có cả gậy cao su, còng số 8 được giới thiệu đến khách.

Súng cũng được rao bán công khai trên mạng xã hội

Bích Ngân

Ngoài cảnh phục, chúng tôi còn ghi nhận các loại “hàng nóng” (dao, kiếm, các loại công cụ hỗ trợ và cả súng cao su - PV) được nhiều “kênh” trên Facebook rao bán, thu hút số lượng lớn người tham gia. Trên trang “Vũ khí tự vệ, Bắc Trung Nam”, với hàng ngàn người tham gia, thành viên đăng hình ảnh rao bán các loại súng, mã tấu, kiếm Nhật, dao bấm, dao xếp … với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. PV ngỏ ý hỏi mua bằng cách để lại “dấu chấm” dưới bình luận thì ngay lập tức, một tài khoản gửi cho PV hình ảnh, thậm chí cả video giới thiệu về loại súng cao su, chào giá bán 6 triệu đồng.
Thực tế trước đó, tình trạng mua bán cảnh phục giả, hay công cụ hỗ trợ, vũ khí tràn lan đã được Báo Thanh Niên phản ánh qua nhiều loạt bài. Cụ thể, loạt bài Bát nháo mua bán cảnh phục giả (từ 21 - 22.6.2019); bài Nhức nhối “chợ” vũ khí trên mạng (tháng 12.2017); bài Hàng “nóng” bán công khai (tháng 3.2016). Sau nhiều năm, tình trạng chợ 'hàng cấm' vẫn bát nháo, tiếp diễn, công khai… gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.