|
Chợ hình thành cách đây vài năm và thường họp vào lúc 14 giờ hằng ngày trên vỉa hè đường Tết Mậu Thân (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang). Thực ra đây chỉ là cái chợ “chồm hổm”, bắt đầu từ một vài người có món hàng cũ cần bán và đem tới quán cà phê ngồi “tiếp thị”. Dần dần số người có đồ cần bán tăng lên, thế là quy mô của khu chợ lan dần ra tới vỉa hè. Đến nay, số “tiểu thương” có vị trí ngồi cố định có lẽ không quá 20 người. Nhưng mỗi chiều, lượng người mua và người có những món đồ cần bán tới chợ khá đông. Tùy theo thời tiết nắng, mưa mà phiên chợ họp kéo dài đến hết buổi chiều hay phải vội vã tan sớm.
|
Nói “thượng vàng hạ cám” bởi vì hàng hóa ở khu chợ này rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, nhiều thời kỳ và giai đoạn lịch sử. Ví dụ, bạn muốn sưu tập một bộ tiền của nhiều thời kỳ, bao gồm tiền do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN phát hành tháng 9.1975, tiền Ngân hàng nhà nước VN phát hành tháng 5.1978 hoặc bộ tiền phát hành tháng 9.1985; trong đó có tờ “độc nhất vô nhị” với mệnh giá… 30 đồng. Xưa hơn là các bộ tiền phát hành vào thời VNCH ở miền Nam từ năm 1955 đến 1975. Đặc biệt, bộ tiền kim loại với nhiều mệnh giá như 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng rồi 20 xu, 50 xu (có đồng tiền in là su) có hình 3 cô gái Bắc, Trung, Nam và cả chân dung Tổng thống Ngô Đình Diệm… cũng có thể tìm thấy ở khu chợ này.
|
Nhưng, xưa nhất là những đồng Đông Dương có mệnh giá từ 10 cents, 20 cents, 50 cents, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng vàng do Banque de L’Indochine phát hành vào đầu thế kỷ 20. Đặc biệt là các đồng Thành Thái, tờ 20 piastres và tờ 5 piastres con công với hình thức và nội dung rất đẹp… Trong hồi ký 50 năm mê hát của cụ Vương Hồng Sển có kể lại câu chuyện rằng, một lần trong rạp hát ở Sóc Trăng, khi buổi hát đã về khuya gần vãn, Hắc Công tử lấy thuốc ra hút, loay hoay thế nào lại đánh rơi tờ giấy bạc con công (5 đồng) mà quẹt diêm gì cũng không có. Vậy là bất kể giữa lúc đám hát đang hồi cụp lạc trên sân khấu, Hắc Công tử ngồi chồm hổm xuống đất sờ soạng dưới nền xi măng để tìm. Thấy vậy, Bạch Công tử bảo: “Để moa cho mượn cây đuốc!” Nói rồi, Bạch Công tử đốt một tờ giấy 20 piastres soi sáng giúp Hắc Công tử thu hồi tờ giấy 5 piastres!
Có một loại hàng bây giờ hơi hiếm và bán khá đắt, đó là các loại quân dụng thời chiến tranh trước năm 1975, như: đèn pin, bi đông, cà mèn (gamelle/tiếng Pháp), ca uống nước bằng inox và hộp quẹt zippo của lính Mỹ… Thậm chí, thỉnh thoảng còn thấy có người đem bán cả… nón sắt, thùng xăng rời 20 lít của xe Jeep và thùng đựng... đạn đại liên 50 (12,7 ly) mà nhiều nhà vẫn hay dùng để đựng búa, kềm, tua vít, dụng cụ sửa chữa điện… rất tiện dụng. Ngoài ra, khu chợ này cũng là nơi tập hợp nhiều mặt hàng hiếm khác như đồng hồ Odo, đồng hồ Cadion treo tường; kính Pilot, băng Akai, băng cassette, máy radio transistor, radio cassette xưa và cả radio “ấp chiến lược” thời thập niên 1960… Có những món hàng cũ gợi lại ký ức một thời như cái đèn tây, đèn bão, đèn măng sông (manchon) và bữa nọ còn thấy có người đem bán cái đèn khí đá cũ.
|
Thời thơ ấu ở miền quê, bọn nhóc chúng tôi đứa nào cũng được ba mẹ mua cho một cái đèn khí đá để đi soi ếch vào ban đêm khi mùa mưa bắt đầu, hoặc đi soi cúm núm vào tháng giêng khi lúa ngoài đồng sắp chín. Nhà ít tiền thì sắm cái đèn đơn giản bằng thiếc, khá hơn thì sắm đèn bằng gang. Đèn có 2 tầng, tầng trên chứa nước, tầng dưới để cục khí đá. Bên hông đèn có cái béc đặt giữa cái chóa xi màu trắng sáng. Khi sử dụng thì mở van xả nước ra từ từ làm cho khí đá bốc hơi rồi châm lửa vào cái béc, đèn sẽ phát ra tia lửa xanh sáng rực, ra gió không sợ tắt…Nhờ có loại đèn này mà nhiều gia đình có được bữa cơm ngon, còn mấy ông thích nhậu thì luôn có mồi “bén” để nhâm nhi với bạn bè sau ngày làm lụng mệt nhọc. Rồi đèn pin, đèn bình accu…lần lượt ra đời, đèn khí đá bị bỏ xó. Chuyện soi ếch, soi chim mới ngày nào giờ đã trở thành…ký ức.
>> Phải sớm giải tỏa chợ đồ cũ Đà Lạt
>> Nguy cơ cháy chợ đồ cũ Đà Lạt
Hoàng Phương
Bình luận (0)