|
Chính quyền cũng rất bất an và lo lắng
* TP đã làm hết trách nhiệm chưa khi thời gian qua trên địa bàn gia tăng phạm pháp hình sự, nhiều nơi công cộng xuất hiện tràn lan hình ảnh người nghiện công khai tiêm chích ma túy gây lo lắng, bất an cho người dân?
|
* Vậy không lẽ TP “bó tay” để cho tình hình ngày càng phức tạp?
- Ngày 27.10 vừa qua, đoàn ĐBQH TP.HCM đã gửi kiến nghị khẩn cấp lên Quốc hội về một giải pháp tình thế nhằm sớm ổn định lại tình hình.
* Về phía UBND TP thì có động thái gì không, thưa ông?
- TP đã khẩn trương hoàn chỉnh một đề án về giúp đỡ người nghiện ma túy lang thang được đi cai nghiện và đã trình lên Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Pháp luật… xem xét, quyết định. Điểm mấu chốt là hình thành trung tâm tiếp nhận xã hội, có nhiệm vụ quản lý cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe cho người nghiện trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, giúp người nghiện ổn định tâm lý, sức khỏe trong một môi trường thích hợp; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc vì lợi ích của chính người nghiện và lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
|
Trên địa bàn TP hiện đã có khoảng 40.000 người nghiện rồi, phần lớn là lang thang, không có nơi cư trú, điều kiện sống không ổn định. Những người này sẽ được ưu tiên đưa vào trung tâm để chăm sóc. Kinh phí thực hiện thì TP đủ sức lo liệu.
* Vậy những người nghiện có hộ khẩu ở TP sẽ xử lý theo hướng nào?
- Nếu có hộ khẩu thường trú thì chúng tôi sẽ tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Sau khi xác định gia đình có nguyện vọng thì mình cũng sẵn sàng tiếp nhận luôn. TP đã có chỉ đạo rồi. Sở LĐ-TB-XH đang khẩn trương rà soát lại cơ sở vật chất ở Trung tâm cai nghiện Bình Triệu, chuyển đổi thành Trung tâm tiếp nhận xã hội để lo cho người nghiện. 17 trung tâm cai nghiện của TP trước đây khi thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội hiện vẫn còn sẽ tiếp nhận người nghiện đi cai sau khi có quyết định cai nghiện bắt buộc của tòa án. Đội ngũ y bác sĩ cai nghiện của TP rất thành thạo, cơ sở vật chất đầy đủ, sẵn có. Và nếu được tổ chức thực hiện như vậy thì mình giải quyết được tất cả vấn đề đang vô cùng lo lắng của chính quyền, người dân TP.
“Test nhanh, dương tính với ma túy là đưa đi cai”
* Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng đề án của TP trái với quy định của luật?
- Luật quy định giao cho tổ chức xã hội ở địa phương quản lý nhưng trên thực tế thì chúng ta chưa có tổ chức xã hội nào có đủ chức năng và đủ sức cai nghiện, đủ điều kiện quản lý được số lượng người nghiện khổng lồ như thế. Do đó, chúng ta cần phải có một địa chỉ phù hợp để giải quyết bất cập này.
Cách làm của TP hoàn toàn không trái luật. Do nội dung luật nói chưa rõ, chưa sát với thực tế thì mình xin phép một cách làm linh hoạt, phù hợp, cụ thể hơn để vừa đảm bảo tuân thủ đúng luật, vừa mang lại hiệu quả cao nhất.
* Vậy việc tổ chức thực hiện sẽ như thế nào?
- Theo quy định của luật thì chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là những người sẽ ký quyết định đưa người nghiện vào trung tâm tiếp nhận xã hội cắt cơn, giải độc đối với người nghiện lang thang. TP vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc này. Trong đề án của TP trình thì công an không có liên quan. Sẽ có một bộ phận thẩm định ở phường, xã, thị trấn với sự tham gia của cán bộ tư pháp, LĐ-TB-XH...
TP đã xác định là nếu như tổ chức cho người nghiện vào trung tâm tiếp nhận xã hội, thì tất nhiên có tốn kinh phí nhưng kinh phí đó sẽ không bao nhiêu so với mức độ thiệt hại về mặt xã hội khi người nghiện cứ lang thang ngoài cộng đồng. Đó là chưa kể sự lo lắng, bất an của người dân thì không thể đo đếm tính bằng tiền được. Cách làm này không phải ép buộc gì cả. Chúng ta xem người nghiện như những bệnh nhân đặc biệt nên cần phải được đặc biệt quan tâm, điều trị, chăm sóc họ, giúp họ bảo vệ sức khỏe bản thân, làm lại cuộc đời.
Sau khi Quốc hội cho phép thì TP triển khai ngay tức khắc, không cần phải chờ đợi thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Công an quy định về tình trạng nghiện, mà có thể xác định bằng cách test nhanh, nếu dương tính với ma túy thì chuyển vào trung tâm tiếp nhận xã hội. Tình thế khẩn cấp lắm rồi. Cá nhân tôi được Chủ tịch UBND TP phân công là nếu như Quốc hội có yêu cầu thì sẽ làm trưởng đoàn đi trình bày, bảo vệ đề án này.
|
* Nhưng nếu đề án lần này không được chấp nhận, TP có phương án nào khác?
- Trong hoàn cảnh người nghiện lang thang đang ngày càng trầm trọng như hiện nay, cách làm mà đề án trình lên đã được các sở ngành, TP xem xét một cách toàn diện, trên nhiều góc độ pháp lý, nhân quyền… Nếu thực hiện sẽ đảm bảo khả thi và mang lại hiệu quả cao nhất, chứ ngoài ra không còn phương cách nào khác. Không giúp được người nghiện đi cai thì lòng dân không yên. An ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ không giữ được. Như vậy thì việc phát triển kinh tế - xã hội của TP sẽ bị ảnh hưởng rất nặng, nhất là khách du lịch và đầu tư nước ngoài không thể bền vững được. Do đó, TP.HCM sẽ quyết liệt thực hiện vì lợi ích chung của toàn xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định để đóng góp nguồn thu ngân sách cho cả nước. Bây giờ nhân dân quá lo lắng rồi mà mình không làm được điều đó là mình không tròn trách nhiệm.
Đình Phú
(thực hiện)
>> TP.HCM đề xuất phương án 'chỉnh' quy định đưa người cai nghiện bắt buộc
>> Không nên để người nghiện tự do đi lại
>> Không thể để người nghiện thành nguồn tội phạm
>> Kiến nghị đưa ngay người nghiện vào trung tâm
Bình luận (0)