Chợ Lớn, lang thang ngóc ngách ký ức: Tuệ Huê lý bình yên đến ngỡ ngàng

01/08/2019 12:46 GMT+7

Tuệ Huê lý là hẻm thông hiếm hoi ở khu Chợ Lớn, nhưng không vì vậy mà hẻm ồn ào. Không khí trong hẻm yên bình, gió mát lộng cả sáng, chiều khác hẳn với nhiều khu hẻm khác xung quanh.

Tuệ Huê lý hay còn gọi là Tuệ Hoa lý (do cách phiên âm) là hẻm 714 đường Nguyễn Trãi (P.11, Q.5, TP.HCM). Hẻm thông qua đường Ký Hòa nhưng lại rất ít xe qua lại mà luôn yên bình, mát mẻ đến lạ.

Bình yên giữa lòng Chợ Lớn

Hẻm Tuệ Huê lý nằm sát vách tường của trường THCS Mạch Kiếm Hùng. Bức tường cổng được sơn màu vàng nay đã cũ kỹ, vài mảng tường bong tróc, phía trên là mái ngói theo phong cách cổ điển. Vừa bước vào cổng, để ý kỹ mới thấy 3 chữ tên hẻm được viết bằng tiếng Hoa bị che khuất sau tấm bảng khu phố văn hóa.
Người dân trong hẻm không ai giải thích được tên Tuệ Huê lý này bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết rằng, qua bao thế hệ, bảng tên hẻm vẫn nằm ở đó. Trong hẻm, chỉ còn duy nhất căn nhà của cụ bà Lưu Muối (85 tuổi) là còn giữ lại cửa gỗ lùa, gác lửng bằng gỗ. Một số nhà khác đổi cửa chính nhưng vẫn giữ cửa sổ nhỏ hai bên.
Ông Sử Bị (63 tuổi) kê một chiếc giường xếp nằm ngay cổng chính. Ông Bị ăn ngủ tại góc này đã 16 năm nay nên cả hẻm đều biết tên, biết mặt. Ngày ông còn nhỏ, cha mẹ ông đã thuê nhà ở trong hẻm này. Sau này chủ nhà bán lại nên cả gia đình ông dọn ra ngoài. Đến giờ, ông chỉ còn cô con gái đã có gia đình là người thân duy nhất.
“Con gái tôi thuê chung cư cũ ở lầu cao, không có thang máy. Tôi thì từ ngày bị tai biến không leo cầu thang được nên ở đây luôn cho tiện. Tôi cũng không muốn làm phiền con cái. Tới bữa có người đi ngang cho gì ăn đó, không thì tự đi mua”, ông Bị kể.
Những người trong hẻm cũng cho biết, ngày trước ông Bị còn khỏe, ông được trả công để làm bảo vệ của hẻm, ai ra vào thì mở cổng. Nhưng về sau nhiều người ra vào quá, ông lại yếu nên mở hẳn cổng, chỉ đêm đến mới khép hờ để hạn chế xe ra vào.

Ông Sử Bị kê một chiếc giường xếp ăn ngủ ngay trong hẻm

Vũ Phượng

Theo ông Bị, ngày trước hẻm phần lớn là người gốc Quảng Đông nên cả hẻm nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. Nhà nào nhà nấy cũng tranh thủ ăn cơm chiều sớm rồi ra ghế đá trước nhà nói chuyện. Ngày nay, những chiếc ghế đá vẫn còn nằm rải rác dọc hẻm để mọi người ngồi hóng gió, nhưng cư dân trong hẻm bây giờ người Việt thì nhiều hơn người Hoa.

Tình người trong hẻm

Từ chỗ nằm của ông Sử Bị vào thêm khoảng 20m là quán cà phê cóc của bà Tăng Thị Nương (72 tuổi). Ngày trước, bà Nương làm việc trong nhà in của một tờ báo. Sau giải phóng, bà được cấp cho một căn nhà ngang 3,5m, dài 8m trong hẻm này.

Kêu thợ tới sửa mà họ đòi tiền cao quá, tôi phải trả giá hoài mới đủ tiền trả đó. Mà chắc trả giá nên người ta làm ẩu, chưa gì bể mảng tường rồi nè. Mà lúc đó nói thật là tôi cũng bị mất vài món đồ. Nhưng dù sao cũng được bà con trong hẻm giúp đỡ nhiều

Cụ bà Lưu Muối (85 tuổi)

Bà Nương cho biết, trước khi bà về ở, các nhà trong hẻm là do Chùa Bà quản lý, hằng tháng người dân đóng tiền thuê nhà cho nhà chùa. Sau này, chùa bàn giao lại khu hẻm cho nhà nước nên bà may mắn có được một căn.
Thời điểm đó, tất cả các nhà đều được xây dựng giống nhau, từ thiết kế đến màu sơn, kiểu cửa, gác gỗ lửng. Khi nhận nhà, bà Nương cũng như nhiều gia đình khác bắt đầu sửa sang, mở rộng cửa, xây gác để ở cho thoải mái. Gần đây, chuyện làm ăn của con trai không như ý nên bà Nương đành bán nhà, chuyển sang một căn khác ở quận 8. Vậy nhưng chủ nhà mới thấy bà đã có tuổi, lại có khách đến uống cà phê quen bấy lâu nên vẫn để bà bán ở trước nhà mình mà không lấy tiền mặt bằng.

Hẻm nằm sát vách tường trường THCS Mạch Kiếm Hùng

Vũ Phượng

Bảng tên hẻm nằm khuất sau tấm bảng khu phố văn hóa, phải để ý kỹ mới thấy

Vũ Phượng

Bà Nương tâm sự: “Quán tôi chủ yếu là người trung niên, người già. Người trẻ thì chắc đến những quán sang trọng hơn chứ không ngồi ở hẻm như thế này. Tôi tự pha cà phê theo cách của mình, không học hỏi từ đâu hết. Khách uống thấy hợp nên ngày nào cũng qua uống hoặc mua mang đi. Lúc nào không có khách thì tôi ngồi đọc báo”.
Cách chỗ bà Nương bán tầm 120m là căn nhà của cụ bà Lưu Muối, căn nhà duy nhất trong hẻm còn giữ kiểu cửa gỗ lùa mà người viết đề cập ở trên. Cửa gồm 13 thanh gỗ tròn được thiết kế chắc chắn, có thể lùa qua một bên tiện lợi hoặc đóng cửa nhưng vẫn hứng trọn được ánh sáng ngoài trời.

Khung cảnh bình yên trong Tuệ Huê lý

Vũ Phượng

Một số nhà vẫn còn giữ kiểu 2 cửa sổ bằng gỗ nhỏ 2 bên, trước nhà treo nhiều giấy đỏ

Vũ Phượng

Bà Lưu Muối nay đã già nhưng vẫn còn minh mẫn, dù thính giác không còn được tốt nữa. Bà Muối nói đáng lý ra bà sẽ không sửa lại nhà như thế này, nhưng 2 năm trước, nhà bà bất ngờ sập lúc nửa đêm, hàng xóm sang kêu bà ra ngoài và cho ở tạm vài hôm để sửa sang nhà.
“Kêu thợ tới sửa mà họ đòi tiền cao quá, tôi phải trả giá hoài mới đủ tiền trả đó. Mà chắc trả giá nên người ta làm ẩu, chưa gì bể mảng tường rồi nè. Mà lúc đó nói thật là tôi cũng bị mất vài món đồ. Nhưng dù sao cũng được bà con trong hẻm giúp đỡ nhiều”, bà Muối chia sẻ.
Từ khi sửa nhà, bà Muối phải thay cánh cửa bên ngoài, nhưng cửa gỗ lùa đặc biệt của căn nhà vẫn thu hút được sự chú ý của nhiều người. Bà Muối còn khoe: “Người nước ngoài thích cửa này lắm, họ tới là xin chụp hình nói để về làm cái y chang cho nhà cửa sáng sủa, mát mẻ”. Nói rồi bà Muối đứng vịn cửa cười tươi, bảo tôi: “Nè, cô chụp lẹ đi cho giống người ta”...

Bà Tăng Thị Nương có quán cà phê cóc ở trong Tuệ Huê lý

Vũ Phượng

Góc yên bình của Tuệ Huê lý

Vũ Phượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.