Chỗ ở 15 m2/người mới được thường trú, Hà Nội cần đánh giá tác động xã hội

30/03/2023 14:31 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về diện tích chỗ ở hợp pháp tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú nội đô ở Hà Nội là thiếu căn cứ thực tế, tạo thêm gánh nặng cho người yếu thế ở đô thị.

Hà Nội đang lấy ý kiến lần thứ hai cho dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Theo đó, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2, giảm 5 m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành là 8 m2 (17 huyện và TX.Sơn Tây). Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

Đề xuất chỗ ở 15 m2/người mới được thường trú: Tạo gánh nặng cho người nghèo - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về diện tích chỗ ở hợp pháp tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú là thiếu căn cứ thực tế

ĐÌNH HUY

Dự thảo tờ trình của UBND TP.Hà Nội cho biết, việc xây dựng dự thảo trên nhằm cụ thể hóa quy định của luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong dự thảo, UBND TP.Hà Nội viện dẫn nhiều căn cứ pháp lý, ý kiến đóng góp của Cục Nghiệp vụ Bộ Công an, các sở, ngành, người dân và khẳng định việc ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là rất cần thiết, bảo đảm tính khả thi trong việc triển khai thực hiện; nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Đề xuất chỗ ở 15 m2/người mới được thường trú: Tạo gánh nặng cho người nghèo - Ảnh 2.

Theo nội dung dự thảo, diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp đối với 12 quận là 15 m2

NGUYỄN TRƯỜNG

Cần khảo sát thực tiễn để đưa ra mốc diện tích sàn tối thiểu

Nêu quan điểm về dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đang được UBND TP.Hà Nội lấy ý kiến, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) cho rằng, thành phố cần đưa ra cơ sở pháp lý, tiến hành khảo sát thực tiễn để có cơ sở đưa ra mốc diện tích sàn tối thiểu khi đăng ký thường trú nội thành, ngoại thành Hà Nội.

"Về mặt nguyên tắc cần khảo sát, đánh giá tính thực tiễn, đánh giá tác động về mặt xã hội. Hiện nay, bình quân là bao nhiêu m2/người? Số lượng người đang thường trú có diện tích nhà ở tối thiểu dưới 15 m2 là bao nhiêu?… Nếu quy định được ban hành không khả thi hoặc có tác động quá lớn làm ảnh hưởng đến cuộc sống, lao động, sản xuất của người lao động tự do, người có thu nhập thấp đang thường trú ở Hà Nội sẽ gây hệ lụy không tốt về mặt xã hội", đại biểu Cừ bày tỏ.

Trước lo ngại áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn, đồng thời việc xây dựng dự thảo được Hà Nội kỳ vọng là quy định để có thể phân bổ dân cư, theo đại biểu Cừ, quy định này sẽ không hiệu quả. Bởi lẽ, người dân vì mưu sinh, vì cuộc sống sẽ cố bám trụ ở khu vực thành phố. Thậm chí, việc người dân tìm mọi cách để vào nội đô còn gây ách tắc giao thông.

"Nếu để giãn dân thì Hà Nội nên sớm có chính sách thúc đẩy hình thành các đô thị vệ tinh, có đủ các cơ quan, trường đại học, các dịch vụ thương mại… tạo nhu cầu việc làm, mưu sinh gần tương tự khu vực nội đô. Lúc đó, người dân tự giãn ra vùng ngoại thành", đại biểu Cừ nhìn nhận.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp), về thời gian, luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 5, dự kiến thông qua vào cuối năm.

Khi sửa đổi, luật Nhà ở sẽ đưa ra những quy định về mức diện tích sàn tối thiểu, nên chăng Hà Nội cần đợi đến khi luật được thông qua rồi xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Điều này sẽ tránh được nguy cơ luật thay đổi khiến nghị quyết do Hà Nội ban hành có "tuổi thọ" ngắn.

Dù ủng hộ mục tiêu giãn dân ra ngoại thành nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng thành phố cần có thời gian chuyển tiếp để người dân có tâm thế chuẩn bị. "Vì cuộc sống nên người thu nhập thấp, người lao động tự do mới lao vào nội thành mưu sinh. Nếu Hà Nội muốn giãn dân khu vực nội đô thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần giãn các cơ quan quản lý nhà nước, bệnh viện, trường học… ra ngoại thành. Khi đó, chủ trương giãn dân vùng nội đô sẽ đạt được mong muốn", đại biểu Hòa nói.

Đề xuất chỗ ở 15 m2/người mới được thường trú: Tạo gánh nặng cho người nghèo - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng quy định diện tích sàn tối thiểu 15 m2/người là tạo thêm áp lực, gánh nặng chi phí cuộc sống người nghèo ở đô thị

THẢO VÂN

Tạo thêm gánh nặng cho người nghèo ở đô thị

Anh H.V.L (34 tuổi, quê Hà Nam, đang thuê nhà tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình có 4 người đang thuê một phòng trọ rộng 25 m2. Vợ chồng anh đã sinh sống ở Hà Nội được 5 năm và đang đi làm thuê tại một công ty quảng cáo.

"Con tôi sắp vào lớp 1, nếu quy định tối thiểu 15 m2/người mới được đăng ký thường trú thì việc xin học cho con sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu đi ra ngoại thành thuê nhà, chúng tôi sẽ phải đi làm xa, đồng thời việc đưa đón, chăm sóc con nhỏ cũng thêm vất vả", anh L. chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng việc TP.Hà Nội đưa ra chính sách như trên nhằm quản lý tốt hơn và hạn chế tập trung dân cư ở khu vực nội đô, tránh gia tăng áp lực lên hạ tầng xã hội về: giao thông, giáo dục, y tế… Nhưng với đề xuất quy định diện tích sàn tối thiểu 15 m2/người là tạo thêm áp lực, gánh nặng chi phí cuộc sống người nghèo ở đô thị.

Theo ông Đính, quy định pháp luật cần đảm bảo tính nhân văn, trong khi người nghèo ở thành phố vốn gặp rất nhiều vất vả, là nhóm yếu thế, cần được tương trợ. "Nếu đề xuất được thông qua, một nhà 4 người sẽ phải có tối thiểu 60 m2. Trong khi giá thuê 1 phòng rộng khoảng 15 - 20 m2 ở các quận tại TP.Hà Nội dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng. Như vậy, chi phí thuê nhà của người dân sẽ đội lên gấp 3 - 4 lần. Đề xuất như dự thảo là thiếu thực tế, dựa trên góc độ của người có điều kiện, vô hình trung tạo thêm gánh nặng cho người nghèo ở đô thị", ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, giả thiết quy định được thông qua thì lực lượng nào sẽ kiểm tra, giám sát được việc diện tích nơi ở với đăng ký thường trú của người dân nên rất khó khả thi.

"Nếu TP.Hà Nội muốn hạn chế tập trung dân cư ở nội đô thì đầu tiên cần xem xét lại quy hoạch đô thị, đẩy mạnh việc di dời các trường học, cơ quan nhà nước, bớt nhồi chung cư vào khu vực nội đô, chú trọng phát triển các đô thị vệ tinh, vùng ven để kéo giãn bớt tập trung dân cư, không nên dùng mệnh lệnh hành chính như vậy", ông Đính nói.

Trên thực tiễn, từ năm 2013, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND, trong đó tại điều 1 quy định: “Diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành thành phố Hà Nội đến hết năm 2015 tối thiểu là 15m2 sàn/đầu người”.

Đến năm 2016, HĐND TP.Hà Nội ban hành Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND về việc kéo dài Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND, trong đó có nội dung quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành TP.Hà Nội đến hết năm 2020.

Như vậy, so với Nghị quyết số 11/2013, Hà Nội tiếp tục áp dụng diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp ở nội thành là 15m2 sàn/đầu người, đồng thời mở rộng nhóm đối tượng đi mượn, ở nhờ. Ngoài ra, Hà Nội đã bổ sung thêm quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với khu vực ngoại thành là 8 m2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.